Trong một ngôi làng hẻo lánh tại Kenya, một người phụ nữ lên danh sách mua sắm thức ăn cho cả ngày. Cô cần tiền trước khi đến chợ, tuy nhiên ngân hàng gần nhất phải mất vài ngày đi bộ. Thay vào đó, cô lấy điện thoại, nhắn mật khẩu và yêu cầu rút tiền. Vài phút sau, cô gặp một người đàn ông cầm di động và nhận tiền từ anh ta. Cô tiếp tục đi tới chợ và làm nốt việc của mình.

Chào mừng tới thế giới của ngân hàng tiền di động (Mobile Money).

{keywords}
Người dân chuyển tiền tại một điểm giao dịch M-Pesa ở Nairobi, Kenya năm 2011. (Ảnh: Sayyid Abdul Azim/AP)

Tại nhiều khu vực trên thế giới, mọi người không sống gần ngân hàng hay không có tài khoản ngân hàng. Chẳng hạn, tại Senegal, chỉ có 8% dân số có tài khoản ngân hàng. Tại Uganda, tỉ lệ này là 11%. Trong một thời gian dài, nó đồng nghĩa với họ bị bỏ lại bên ngoài hệ thống tài chính: không thể gửi tiền, tiết kiệm, mua hàng hóa hay vay mượn. Song kỷ nguyên di động đã biến điều bất khả thi trở nên có thể mà không cần tới tài khoản ngân hàng chính thức.

Cất cánh đầu tiên từ Kenya những năm đầu 2000, ngân hàng di động đã vượt qua hệ thống thanh toán của nhiều nước phát triển khác theo các cách khác nhau. Nghiên cứu cho thấy sự phát triển nhanh chóng của hệ thống Mobile Money đã dẫn tới tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hơn một thập kỷ sau, nếu như tại Mỹ, không phải lúc nào cũng dễ dàng để trả tiền tạp hóa bằng điện thoại thì tại nhiều phần của châu Phi, Mobile Money đã vô cùng phổ biến. Tại Uganda, 43% người dân có tài khoản Mobile Money. Tại Kenya là 72%.

Hệ thống Mobile Money rất đơn giản. Nó tương tự như các ứng dụng bạn vẫn dùng để chuyển tiền di động như Venmo, song Venmo yêu cầu tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, còn Mobile Money thì không. Để gửi hay rút tiền từ ứng dụng, hệ thống Mobile Money sử dụng các đại lý, những người có mặt tại các địa điểm trọng điểm trên toàn quốc – bao gồm cả vùng sâu vùng xa – với tiền mặt và một chiếc điện thoại. Bạn còn có thể dùng Mobile Money để giao dịch phi tiền mặt như mua hàng, trả tiền dịch vụ.

Các đại lý này có chức năng như một cây ATM: Bạn tới gặp họ, đưa tiền cho họ để gửi tiền vào tài khoản Mobile Money hoặc rút tiền. Họ là bước tiến khổng lồ tại những quốc gia mà đại bộ phận người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Hệ thống đơn giản được xây dựng dựa trên tin nhắn văn bản, không cần smartphone hay ứng dụng nhưng tạo ra sự khác biệt đáng kể cho các hộ nghèo. Một nghiên cứu chỉ ra nếu một gia đình sống gần một đại lý Mobile Money hơn, họ có xu hướng không lâm vào cảnh nghèo cùng cực (dưới 1,25 USD/ngày) và nghèo (dưới 2 USD/ngày). Nếu các hộ nghèo thường trải qua “cú sốc tiêu dùng” – không thể giải quyết nhu cầu cơ bản khi thu nhập giảm, các hộ nghèo có Mobile Money lại ổn định hơn. Khả năng tiết kiệm và chuyển tiền từ bạn bè, gia đình giúp họ có một thứ để dựa vào.

Tại Kenya, quốc gia dẫn đầu thế giới về Mobile Money, nơi 96% hộ gia đình có tài khoản Mobile Money, bạn có thể tìm thấy đại lý ở gần như mọi nơi. Sau thành công của Kenya, nhiều người kỳ vọng lặp lại điều đó và nâng cao chất lượng cuộc sống tại những nước khác.

Cách thức hoạt động của Mobile Money

{keywords}
Tại Kenya, 72% người dân có tài khoản Mobile Money. (Ảnh: Tony Karumba/AFP)

Trước khi điện thoại di động phổ biến, người dân nông thôn Kenya không có nhiều lựa chọn quản lý tiền. Họ hầu như không thể tiếp cận ngân hàng do khoảng cách xa xôi và ngân hàng cũng không phục vụ người có quá ít tiền. Lựa chọn thay thế ngân hàng là mang theo tiền mặt nhưng rất dễ bị cướp. Các thành viên sống tại thành phố muốn gửi tiền về nhà phải chuyển qua bên trung gian với cước cao hoặc bản thân tự di chuyển quãng đường dài, vất vả.

Đó là khi ý tưởng về Mobile Money được manh nha. Ứng dụng Mobile Money không cần tới ngân hàng song lại hoạt động như một ngân hàng và thẻ ghi nợ. Ai có tài khoản Mobile Money đều có thể sử dụng các dịch vụ tài chính như một người có tài khoản ngân hàng. Mobile Money bắt nguồn từ thế giới đang phát triển, nơi mọi người dùng dịch vụ nhắn tin trước khi smartphone được dùng rộng rãi.

Nam Phi và Philippines nỗ lực xây dựng các hệ thống như vậy vào những năm 2000 song đột phá chỉ xuất hiện tại Kenya với hệ thống M-Pesa (tiền di động).

Dự án tiền thân của M-Pesa ra đời năm 2002 khi các hãng di động nhận thấy họ vô tình phát minh ra một thứ mô phỏng tiền tệ. Người dùng di động Kenya mua và bán “airtime” – dữ liệu điện thoại hay số phút nghe gọi – rồi chuyển cho họ hàng, trong một số trường hợp họ còn dự trữ để bán lại. Nó an toàn hơn mang theo tiền mặt và thuận tiện hơn ngân hàng vì các nhà cung cấp airtime rất phổ biến.

Theo cuốn sách “Money, Real Quick” của tác giả Tonny Omwansa, một nhóm sản phẩm tại nhà mạng lớn nhất Kenya – Safaricom – đã phát triển M-Pesa, hệ thống nhắn tin để tiết kiệm và gửi tiền. Kenya có vô số nhà phân phối airtime, đó là các chủ doanh nghiệp nhỏ bán airtime trả trước. Một số trong số này sau đó cũng phân phối M-Pesa.

Giai đoạn đầu, M-Pesa dùng để trả các khoản nợ vi mô cho người có thu nhập đặc biệt thấp. Theo Omwansa, những người làm ra M-Pesa bắt đầu nhìn thấy nhiều công dụng khác. Người dân dùng M-Pesa thay cho các tổ chức tài chính mà họ không có quyền tiếp cận. Cuối năm 2009, M-Pesa có hơn 8 triệu người dùng tại Kenya. Năm 2012, nó có hơn 15 triệu người dùng và hơn 30.000 đại lý.

Ảnh hưởng của Mobile Money tới người nghèo

Khả năng gửi tiền về gia đình mà không cần đi xa hay tiết kiệm tiền trên smartphone thay vì… dưới đệm… là những điểm hấp dẫn không thể chối từ. Với hàng tỷ người dân trên thế giới, Mobile Money đã mang lại hiệu ứng kinh tế sâu rộng.

Các nhà kinh tế học Tavneet Suri và William Jack đã đánh giá các tác động của Mobile Money trong một loạt nghiên cứu. Năm 2016, họ chỉ ra M-Pesa có mặt mọi nơi ở Kenya dù giai đoạn 2008 – 2010, một số nơi có nhiều đại lý, một số lại không.

Từ đây, các nhà nghiên cứu lại giải quyết một câu hỏi khác: Sự xuất hiện của M-Pesa có giúp gia đình thoát nghèo hay không?

Nghiên cứu năm 2016 kết luận: “Các dịch vụ tài chính cơ bản như khả năng tiết kiệm, gửi tiền và giao dịch an toàn – vốn được tiếp nhận tại các nền kinh tế phát triển – dưới hình thức Mobile Money đã chạm đến hàng triệu người dân Kenya với tốc độ chưa từng có trong thập kỷ qua, dường như có tiềm năng kích thích kinh tế trực tiếp”. Báo cáo ước tính M-Pesa đã giúp 194.000 hộ dân thoát cảnh đói nghèo.

Báo cáo năm 2019 của Haseeb Ahmed và Benjamin W. Cowan còn cho thấy Mobile Money tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Do mọi người có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn khi có phương thức an toàn, tiện lợi hơn, họ sẽ có khoản dự phòng nếu ai đó trong gia đình bị ốm. Việc gửi tiền dễ hơn nhiều cũng giúp họ nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè, họ hàng khi khẩn cấp.

Nỗ lực đưa Mobile Money đi khắp thế gian

{keywords}
Một đại lý M-Pesa tại Ntulele, Kenya năm 2009. (Ảnh: Shashank Bengali/MCT/Tribune News Service)

Trong thập kỷ qua, M-Pesa và các hệ thống tương tự đã nỗ lực để nhân rộng thành công ra nhiều nước khác tại châu Á và châu Phi. Ngày nay, M-Pesa tuyên bố có 42 triệu người dùng hoạt động và 400.000 đại lý tại nhiều nước.

Thành công của M-Pesa là nguồn cảm hứng cho người khác làm theo. Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ cho nhiều dự án Mobile Money và phát triển phần mềm cho các nền tảng Mobile Money. Các công ty tư nhân tạo ra phần mềm tương tự Mobile Money như Wave.

Tuy nhiên, lặp lại thành công của M-Pesa không hề dễ. Theo Wave, khi Mobile Money thành công tại Kenya, nó giúp đưa khoảng 1 triệu người thoát nghèo. Song 10 năm sau, hầu hết người dân châu Phi vẫn thiếu các cách để tiết kiệm, chuyển hay vay tiền để kinh doanh hay cung cấp cho gia đình.

M-Pesa chính xác là thứ người Kenya cần và nó đã thành công. Dù vậy, mỗi nước một khác, thuyết phục một cộng đồng chuyển sang cách thức giao dịch khác không phải điều dễ dàng.

Tại một số nước, Mobile Money thất bại vì vấn đề con gà – quả trứng. Đại lý cần được nhân rộng thì dịch vụ mới hữu ích, song họ chỉ chấp nhận làm đại lý khi dịch vụ được phổ biến. Đó là lý do vì sao Mobile Money không thành tại Niger, theo một báo cáo năm 2020. Vài nước khác lại đóng cửa hệ thống Mobile Money để bảo vệ các ngân hàng.

Thành công nhiệm màu của M-Pesa là sự kết hợp của “đúng người, đúng thời điểm”, cộng với quyết định chính xác của chính phủ Kenya khi cho phép hệ thống hoạt động mà không cần áp dụng quy định nặng nề hay áp phí cao đối với mỗi giao dịch.

Mobile Money không phải giải pháp khắc phục đói nghèo trên toàn cầu song là công cụ vô cùng đơn giản nhưng có tác dụng đáng ngạc nhiên. Sau 10 năm phát triển, nó vẫn được sử dụng tại nhiều khu vực nghèo đói. Nó đặt ra nền tảng cho một thế giới mà ở đó, tất cả mọi người được tiết kiệm, gửi tiền, chuyển tiền từ điện thoại và tạo ra khác biệt.

Du Lam (Theo Vox)

 

Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm

Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử, doanh nghiệp viễn thông có thể xin phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile – Money từ ngày 9/3. Thời gian thí điểm dịch vụ Mobile – Money sẽ kéo dài trong 2 năm.