- Từng giữ cương vị Tổng GĐ công ty Cascon, bà Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyễn), đang cùng lúc phải đối mặt với hai bản án.
Lừa hơn 300 tỷ đồng của ngân hàng
VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyễn, SN 1974, ở Cầu Giấy, Hà Nội) và Nguyễn Thị Ngà (SN 1982, tức Jennifer Nguyễn, quê Thái Nguyên), nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty Cascon tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời "vàng son", bà Hồng Anh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty Cascon. Đây là công ty cổ phần container quốc tế, tiền thân là công ty liên doanh container Vinashin - TGC (viết tắt là VTC), được thành lập từ năm 2005.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nắm giữ 55% vốn của VTC, công ty Toong Goen Đài Loan nắm 45% vốn.
Đến năm 2012, Cascon thay đổi nhân sự và vốn điều lệ. Lúc này, Vinashin còn nắm giữ 8,89% vốn, công ty Amphibian Aircraft International Inc - Hoa Kỳ 26,66% vốn; công ty International Global Investment Company Limited – Vương quốc Anh 64,45% vốn.
Bị cáo Nguyễn Hồng Anh tại tòa |
Thời điểm năm 2010, công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất gửi văn bản mua 10.000 container do VTC sản xuất.
Với cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Anh đã chỉ đạo trưởng phòng kinh doanh Nguyễn Thị Ngà soạn thảo văn bản gửi đối tác đồng ý sản xuất, bán 10.000 container cho UASC với giá 4.038 USD/container.
Ngày 11/6/2010, tại Đài Loan, VTC và UASC ký biên bản ghi nhớ nội dung, thống nhất chia lô hàng thành 2 hợp đồng. Hợp đồng 1.000 container, VTC bán trực tiếp cho UASC, còn hợp đồng 9.000 container, VTC bán gián tiếp qua công ty TNHH Container VTC (Hồng Kông, TQ).
Đơn hàng 1.000 container đã được UASC thanh toán đầy đủ. Còn đơn hàng 9.000 container xảy ra tranh chấp, khiếu nại từ năm 2011 đến nay.
Đơn hàng này được chia thành 2 hợp đồng và các phụ lục hợp đồng. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Hồng Anh và Nguyễn Thị Ngà đã lấy danh nghĩa đại diện công ty Sunny Investment (SNI) ký kết hợp đồng trên vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt.
Để thực hiện hành vi, Nguyễn Hồng Anh lập biên bản ghi nhớ giả ngày 11/6/2010 với nội dung, UASC mua 9.000 container thông qua SNI. Kèm theo đó là hợp đồng giả giữa SNI-VTC, phương án kinh doanh. Hồng Anh đã nộp hồ sơ trên để vay ngân hàng TMCP Vietcombank số tiền 31,3 triệu USD.
Thực hiện hợp đồng, VTC sản xuất và chuyển giao đủ số lượng 9.000 container cho UASC. Đến ngày 3/1/2012, UASC đã thanh toán đủ số tiền 39,1 triệu USD tiền hàng. Tuy nhiên, Nguyễn Hồng Anh chỉ chuyển trả Vietcombank 11,3 triệu USD.
Đến hạn trả nợ ngân hàng, để lấp liếm, Hồng Anh chỉ đạo Ngà làm giả thư xác nhận “SNI xin chậm thanh toán 21,1 triệu USD tiền hàng”. Hồng Anh đã sử dụng email này thế chấp quyền đòi nợ SNI cho ngân hàng.
Cơ quan điều tra làm rõ, thực chất, SNI là công ty “sân sau” do Hồng Anh và một người Đài Loan là Hsu Wen-ta, thành lập năm 2010, tại quần đảo Virgin, thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh.
Từ khi có giấy phép, công ty này không có bất cứ hoạt động kinh doanh gì. Năm 2011, công ty này đã được chuyển nhượng cho người khác.
Cáo trạng xác định, trừ tiền ký quỹ, đến nay nguyên TGĐ Cascon còn phải trả ngân hàng số tiền 16,7 triệu USD (tương đương 353,1 tỷ đồng).
Bán trộm tài sản thế chấp
Trước đó, vào trung tuần tháng 5, TAND TP Hà Nội đã đưa Hồng Anh ra xét xử tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cáo trạng xác định, để có vốn lưu động sản xuất cho công ty, Hồng Anh đã ký 2 hợp đồng tín dụng vay vốn của công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC). VFC đã giải ngân cho công ty VTC hơn 199 tỷ đồng và hơn 3,2 triệu USD.
Các hợp đồng này đều hết hạn và đã được công ty VFC gia hạn lần cuối đến ngày 31/12/2010. Ngoài ra, công ty VTC còn vay vốn dài hạn của công ty VFC số tiền 30 tỷ đồng.
Để đảm bảo vốn vay, công ty VFC và công ty VTC ký hợp đồng thế chấp tài sản với tài sản thế chấp là kho thép cuộn, container, trị giá hơn 153 tỷ đồng.
Nhưng sau đó, bà Hồng Anh đã bán các tài sản thế chấp, thu về hơn 38 tỷ đồng, và chỉ trả cho VFC 10 tỷ, còn 28 tỷ không trả. Việc này gây thiệt hại cho VFC hơn 32,2 tỷ (gồm cả gốc và lãi).
Đưa vụ án này ra xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ một số vấn đề, trong đó cần làm rõ vai trò bảo lãnh của Vinashin trong vụ án. HĐXX cũng cho rằng, phải đưa Vinashin tham gia tố tụng.
Nữ Tổng giám đốc hầu tòa, vừa khóc vừa nói nhảm
Ở phần kiểm trả căn cước, nguyên TGĐ thậm chí còn không thể nhớ được địa chỉ nhà mình. Bà ta khóc nức nở và liên tục nói nhảm...
Nguyên nữ Tổng giám đốc yêu cầu đền oan sai 5 tỷ đồng
TAND TP Hà Nội vừa tiếp nhận giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 5 tỷ đồng do bị truy tố, xét xử oan sai trên 5.000 ngày của bà Mai Thị Khánh.
T.Nhung