Sản phẩm OCOP - sức hút của điểm dừng nghỉ du lịch 

Du khách khi đến Quảng Ninh thường mách nhau ghé Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long (khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) bởi nơi đây không chỉ là điểm đón tiếp, phục vụ dừng chân, mà còn là một siêu thị 2 tầng, rộng 3.000m2, bày bán hơn 350 đầu sản phẩm. Các đặc sản địa phương đặc trưng như: Chả mực, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, ruốc tép và khoảng 100 sản phẩm OCOP Hạ Long đều có thể tìm thấy tại đây, đều đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long

Cao điểm du lịch hè 2022, Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long đã đón trung bình từ 1.500 - 3.200 lượt khách/ngày, trên 1 vạn khách/tuần. Dù thấp điểm, trung bình Trung tâm vẫn đón 5.000 khách/tuần, doanh số đạt hàng chục triệu đồng/ngày. 

Theo Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Quảng Ninh, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh có 25 trung tâm và điểm bán hàng OCOP theo mô hình giống Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long. Cùng với đó, các dự án khu dừng nghỉ, đặc biệt trên cao tốc Hà Nội - Móng Cái đều đã, sẽ được tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng để không chỉ lan tỏa văn hóa địa phương, mà còn kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh. 

Trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trạm dừng nghỉ Quảng Ninh GATE 

Việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với không gian trưng bày, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch và tư vấn dịch vụ, tour tuyến du lịch đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Không chỉ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, tăng sức hút với du khách, mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Du lịch là "kênh" quảng bá, thương mại hiệu quả sản phẩm OCOP

Xác định lợi ích khi "kết duyên" du lịch và xúc tiến sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã và đang ưu tiên tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại gắn với không gian, sự kiện du lịch và hướng tới du khách. Điển hình là các Hội chợ OCOP lớn, được tổ chức dịp 30/4 và nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh tháng 9/2022 đã thu hút gần 5.000 lượt người dân và du khách đến tham quan, mua sắm.

Năm 2022, sản phẩm OCOP còn được giới thiệu tại Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình), Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội hoa sở Bình Liêu... Sản phẩm OCOP cũng được quảng bá sâu rộng tại các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch...

Du khách tham quan, mua sắm tại Tuần tiêu thụ nông - thủy sản Quảng Ninh năm 2021 tại TP. Móng Cái

Dự kiến, thời gian tới, các hoạt động xúc tiến sản phẩm OCOP sẽ gắn với các điểm du lịch trong tỉnh như: Khu du lịch Bãi Cháy, Sunworld, sân bay Vân Đồn; gắn thị trường du lịch trọng điểm, đông dân cư như: TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội...

Để hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ phát huy được hiệu quả, Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào OCOP. Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ, Tuần xúc tiến OCOP... tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút khách du lịch.

Công Duy