Bắc Kinh là thành phố nổi tiếng với khói bụi và tắc đường - nguyên nhân khiến chính quyền hạn chế cấp đăng ký xe ô tô. |
Ở nhiều thành phố của Trung Quốc, việc hạn chế cấp biển số xe ô tô như một giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí và tắc đường đã tạo ra một ngành tiểu công nghệ cho những kẻ cung cấp dịch vụ này mà không cần phải chờ đợi.
Thủ đô Bắc Kinh - nơi nổi tiếng với khói bụi và những con phố kẹt cứng - cũng là nơi đưa ra những giới hạn nghiêm ngặt về việc cấp đăng ký xe hơi. Điều đó đồng nghĩa với việc, cứ hơn 3.000 người nộp đơn đăng ký thì chỉ có 1 người được cấp biển số xe.
Cơ quan quản lý giao thông địa phương cho biết những người đăng ký biển số qua kênh chính thức có thể phải chờ tới 9 năm để được cấp biển.
Năm 2011, Bắc Kinh cũng từng đưa ra giải pháp quay xổ số để chọn người được cấp biển số. Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn đã thúc đẩy thị trường chợ đen phát triển mạnh. Trò lách luật của họ là: Một người muốn đăng ký biển số sẽ kết hôn với một người đã có đăng ký, sau đó người này sang tên đăng ký cho người kia và cuối cùng cả 2 ly hôn.
Các dịch vụ kết hôn giả kiểu này sẽ thu phí lên tới 24.000 USD (552 triệu đồng) để giúp khách hàng có được đăng ký cho một chiếc xe ô tô chạy bằng xăng, hoặc khoảng 387 triệu đồng cho một chiếc xe chạy bằng điện. Số tiền này sẽ được chia chác giữa bên môi giới và người sở hữu đăng ký xe.
Mới đây, cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ một đường dây kết hôn giả để buôn bán biển số xe, trong đó cảnh sát đã bắt giữ 166 người vì nghi ngờ có liên quan.
Trong số các nghi phạm có 1 phụ nữ được cho là đã kết hôn và ly hôn 28 lần kể từ năm 2018. Người phụ nữ này là một trong 124 người phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến kết hôn giả, văn phòng TP. Bắc Kinh cho hay.
Cô gái 26 tuổi đã kết hôn và ly hôn 28 lần này được cho là đã sang tên thành công 23 số giấy phép trong vòng 2 năm qua. Một phụ nữ khác 37 tuổi cũng từng kết hôn và ly hôn 17 lần và sang tên 15 lần thành công.
Một người nộp đơn đăng ký xe đúng luật có thể phải chờ tới 9 năm mới được cấp biển. |
Ở Thượng Hải, trò gian lận này bắt đầu nổi lên từ những năm 1990. Nhưng vài năm gần đây, tình trạng này tăng lên sau khi thành phố thông báo sẽ siết chặt hơn nữa các tiêu chí.
Trò lách luật bằng cách kết hôn giả cũng được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc trong việc đòi bồi thường nhà đất do nước này đang trải qua quá trình đô thị hoá nhanh chóng.
Nhiều người độc thân đã vội vã kết hôn giả để được nhận bồi thường cao hơn, bởi vì cứ thêm một chủ căn hộ là có thêm tiền. Sau đó, cả hai sẽ chia tiền rồi ly hôn.
Năm ngoái, 11 thành viên của một đại gia đình ở miền đông Trung Quốc được cho là đã kết hôn và ly hôn với nhau 23 lần trong vòng 2 tuần để kiếm thêm tiền cho một dự án cải tạo đô thị khi ngôi làng của họ chuẩn bị bị phá dỡ.
Vợ chồng trẻ Trung Quốc sợ sinh con thứ 2
Khi Liu Ziting phát hiện ra mình mang thai đứa con thứ 2 hồi tháng Giêng năm nay, cô đã không mất nhiều thời gian để quyết định mình phải làm gì.
Đăng Dương (Theo SCMP)