- Không chỉ điều chuyển giảng viên đi quét rác, "đời" hiệu trưởng mới của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên - ông Phan Quang Thế còn tiến hành thay đổi "bộ mặt" trường từ cây cối, khuôn viên, cơ sở vật chất...Kết quả thanh kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo của ĐH Thái Nguyên do Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui ký ngày 16/2 gửi Thanh tra và Vụ tổ chức (Bộ GD-ĐT).
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên - nơi đang 41 giảng viên bị điều chuyển công việc đột ngột gây bất bình. |
Theo báo cáo của ĐH Thái Nguyên, ông Vui cho hay, tính đến ngày 21/12/2011 ĐH Thái Nguyên đã nhận được 9 đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với cá nhân ông Phạm Quang Thế và một số cá nhân hiện đang công tác tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp. Trong đó, đơn thư có danh 6 đơn (có đề tên các cá nhân: Ngô Đức Minh, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Duy Tường, Đào Duy Yên, Nguyễn Thị Tươi...). Đơn thư nặc danh có 3 đơn.
Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Tổ công tác của ĐH Thái Nguyên đã tiến hành xác minh các nội dung đơn thư theo đúng quy định.
Có việc điều chuyển đột ngột
Liên quan đến bức xúc của 41 giảng viên đột ngột bị điều chuyển công việc, ông Vui khẳng định: Việc điều chuyển những cán bộ, giảng viên có bằng tốt nghiệp ĐH trung bình (đang ở mã ngạch giảng viên 15111) sang làm công tác khác của hiệu trưởng Phan Quang Thế là triển khai Nghị quyết 92/NQ-ĐU ngày 17/11/2011 của Đảng ủy Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thí nghiệm, thực nghiệm, tư vấn tuyển sinh và khai thác nguồn thông tin thư viện.
Theo quyết định số 540/QĐ-TCCB ngày 19/10/2011 của hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đã chuyển vị trí công tác cho 40 cán bộ, giảng viên (bao gồm giảng viên tốt nghiệp ĐH chính quy hạng trung bình, trung bình khá và hạng khá) sang công tác tại Trung tâm thí nghiệm, Trung tâm thực nghiệm, Trung tâm tư vấn tuyển sinh và Phòng công nghệ thông tin – thư viện. 12 cán bộ, giảng viên nằm trong diện điều chuyển vẫn được giữ nguyên mã ngạch giảng viên 15111.
Ông Vui cho rằng, việc điều chuyển này, theo báo cáo nằm trong thẩm quyền của hiệu trưởng được quy định tại điều lệ trường ĐH ban hành kèm theo quyết định số 58/2010/TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ và sự phân cấp của ĐH Thái Nguyên.
Tuy nhiên, khi thực hiện điều chuyển, nhà trường chưa nêu rõ các tiêu chí, quyền lợi, nghĩa vụ, ngạch bậc trước khi luân chuyển, ngạch bậc sau khi luân chuyển, mức thời gian thực hiện trước khi luân chuyển cán bộ viên chức.
Đó là lý do khiến các giảng viên sốc vì không được làm việc đúng chuyên môn.
Vẫn theo ông Vui, sau khi có phản ánh lên lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ngày 07/2/2012 nhà trường có công văn 75 thông báo với các nội dung: Các giảng viên đang làm nhiệm vụ giảng dạy tại các khoa chuyên môn khi được điều chuyển, đề bạt sang vị trí công tác mới tại các đơn vị khác vẫn được hưởng chế độ giảng viên kiêm nhiệm.
"Căn cứ vào khối lượng được giao và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên, lãnh đạo khoa, bộ môn phân công giờ giảng cho số giáo viên làm công tác kiêm nhiệm. Khi giảng viên cơ hữu tại khoa, bộ môn đã được giao đủ khối lượng, nhà trường đề nghị các khoa, bộ môn tạo điều kiện để cho các giảng viên kiêm nhiệm được tham gia giảng dạy."
Với "giải quyết" nêu trên của đoàn công tác ĐH Thái Nguyên cũng chưa giải tỏa được bức xúc của hơn 40 giảng viên bỗng chốc bị "ngồi chơi xơi nước" chờ "bố thí" giờ giảng nếu giảng viên chính không kham nổi. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lãnh đạo khoa không phân công giờ giảng thì biết kêu ai? Thậm chí có sự phi lý?
Một chính sách thanh lọc giáo viên là chủ trương lớn liên quan đến đời sống của nhiều giảng viên - đáng ra họ phải được thông báo trước hoặc được đào tạo nâng chuẩn...thì hiệu trưởng Thế nhậm chức từ tháng 9/2011 đã chọn giải pháp "thay máu"?
Theo giảng viên bị điều chuyển Nguyễn Hồng Quang, bộ môn Giáo dục thể chất: “Bộ môn này cũng là thực hành. Sao cần phải điều chuyển sang công tác khác để nâng cao chất lượng? Tại sao lại chuyển chúng tôi từ hợp đồng giảng viên sang làm nhân viên tạp vụ (dù vẫn được giữ mã ngạch giảng viên và ít nhiều có điều chuyển công việc)?"
"Trong khi đó, thực tế trường đang thiếu trầm trọng giảng viên và những người có kinh nghiệm như chúng tôi. Thêm nữa, hầu hết các giảng viên đều chưa hề có kỷ luật, nhiều người còn được xếp loại thi đua” - ông Quang bức xúc.
Kết luận kiểm tra của ĐH Thái Nguyên gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo do GĐ Đặng Kim Vui ký ngày 16/2. |
Xây mới và dỡ bỏ
Không chỉ "thay máu" giảng viên - sau 7 tháng ông Thế "lên ngôi" hiệu trưởng (nhậm chức tháng 9/2011) đã kịp phê duyệt 5 hạng mục công việc có mức đầu tư trên 100 triệu đồng và 6 hạng mục công việc có mức đầu tư dưới 100 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện được khai toán trên 9 tỷ đồng.
Thời điểm đoàn công tác của ĐH Thái Nguyên đến và có thống kê trong số 10 hạng mục công việc đã triển khai thực hiện thì 4 hạng mục đã hoàn thành gồm: Sơn sửa lại hội trường lớn (trên 93 triệu); Sửa nền nhà hiệu bộ, sân (gần 97 triệu); Làm cột cờ Inox (gần 18 triệu); Làm lô gô trường (gần 27 triệu). Một hạng mục chưa làm nhưng được trường dự toán chi trên 32 triệu đồng (làm lan can Inox giảng đường A16).
6 hạng mục đang triển khai dở dang được đoàn công tác báo cáo Bộ gồm: Nhà để xe đạp, xe máy (gần 800 triệu); Sân vườn nhà giảng đường A16 (gần 2,3 tỷ đồng); Đường nội bộ giảng đường A16 (gần 2,6 tỷ đồng); Sân nhà xưởng (gần 2,3 tỷ đồng); Sân thể thao sinh viên (trên 1 tỷ) và Sửa cổng trường (trên 22 triệu đồng).
Song trong một lá đơn tố cáo cho rằng, việc trường phá cổng cũ xây cổng mới khi cổng trường trước đước xây dựng cách đây 6 năm với mẫu thiết kệ được tuyển lựa và được đánh giá là đẹp. Nội dung thư cho rằng việc làm của hiệu trưởng Thế là vì “ý thích cá nhân”.
Trong báo cáo của đoàn công tác ĐH Thái Nguyên cũng chỉ ra phương án cải tạo cổng trường có làm thay đổi kiến trúc, kết cấu và nguyên giá tài sản cố định (TSCĐ) nhưng thiếu biên bản xác định khối lượng phải tháo dỡ, thiếu quyết định làm căn cứ điều chỉnh giá TSCĐ, khi tháo dỡ cải tạo không làm thủ tục xin cấp phép, không có biên bản nghiệm thu xác định số vật tư thu hồi, tận dụng lại,...
Về 4 cây đa do các đồng chí lãnh đạo trồng, kết luận của đoàn công tác ĐH Thái Nguyên chỉ ra rằng: không có chuyện chặt hạ như đơn thư đã nêu. Do xây dựng ký túc xá, tạo sân chơi cho sinh viên nên đã chuyển vị trí trồng cây cho phù hợp. Tuy nhiên, trường đã chặt 41 cây đa to (vì không thể di chuyển), di chuyển 06 cây đa bé, chặt bỏ một số cây cọ và một số khóm trúc khác.
"Lý do trường chặt và di dời cây được nêu ra là muốn thay bằng cây bóng mát khác. Một số cây khác phải chặt và chuyển đi vì ảnh hưởng đến đường đi, sân chơi và vi phạm hành lang an toàn lưới điện từ trạm biến áp chính dẫn vào trong của nhà trường" - kết quả xác minh của đoàn công tác ĐH Thái Nguyên.
Thay thế nhà thầu vì phạm hợp đồng Qua xác minh việc hợp đồng thuê khoán nhà ăn của bà Tươi, đoàn công tác của ĐH Thái Nguyên kết luận, theo hợp đồng thì bà Tươi đến tháng 3/2016 mới hết thời gian thực hiện hợp đồng. Nhưng do có một số vi phạm hợp đồng nên bà Tươi bị chấm dứt hợp đồng vào tháng 7/2011 (có báo trước 6 tháng - thời điểm ông Nguyễn Đăng Bình làm hiệu trưởng). Việc chọn thầu nhà ăn mới được thực hiện vào tháng 8/2011. Người trúng thầu là bà Lê Thị Mười - người nhà của ông Phan Quang Thế. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng đã được thực hiện ở thời điểm ông Nguyễn Đăng Bình làm hiệu trưởng. Theo báo cáo của đoàn công tác ĐH Thái Nguyên thì bà Tươi bị chấm dứt hợp đồng không liên quan đến đời hiệu trưởng Phan Quang Thế? |
- Phong Đăng - N.Hiền