Kết quả kinh doanh quý 1 kém khả quan vì... iPhone
Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, thị trường điện thoại di động sụt giảm 8% về giá trị trong quý 1/2019 so với cùng kỳ (theo GfK), cùng với doanh số thấp của mẫu iPhone mới ra mắt cuối năm 2018 đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu điện thoại của FPT Retail trong tháng 12/2018 và toàn bộ quý 1/2019.
FPT Retail đã phải đẩy mạnh hạ giá để giải quyết lượng hàng iPhone tồn kho, khiến biên lợi nhuận gộp của iPhone (chiếm 36% doanh thu điện thoại trong quý 1) giảm khoảng 1,5%, qua đó làm biên lợi nhuận gộp của FPT Retail giảm xuống còn 11,9%. Bù lại, chi phí quản lý quý đầu năm cũng giảm so với cùng kỳ do trong quý 1 năm ngoái công ty chi nhiều cho việc quảng cáo chương trình trợ giá nhà mạng.
Ngoài ra, từ quý 1/2019, FPT Retail bắt đầu nhập phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc, cho phép công ty bán với mức giá rẻ hơn trung bình 20% so với trước đây, và biên lợi nhuận gộp tăng từ 40% lên 50%. Quý 1/2019 là giai đoạn công ty giải quyết lượng phụ kiện cũ có giá vốn cao, bán ngang với lô mới nhập về nên biên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng.
Kể từ đầu tháng 4, Apple đã có động thái hỗ trợ nhà bán lẻ qua việc giảm giá cho các dòng sản phẩm đời trước như iPhone 7 và 8. Nhờ vậy kết quả kinh doanh tháng 4 của FPT Retail có sự cải thiện rõ rệt, khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 31% và 44% so với tháng 4/2018.
Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng mảng điện thoại sẽ tiếp tục hồi phục trong phần còn lại của năm nhờ biên lợi nhuận gộp iPhone được cải thiện và 2 hãng điện thoại có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam là Samsung và Oppo cùng tung ra các sản phẩm chủ lực từ quý 2 trở đi. Kết thúc quý 1, FPT Retail mở thêm 8 cửa hàng FPT Shop, SSSG (same store sale growth - tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng) đạt 1%.
Doanh thu quý 1/2019 chỉ tăng trưởng 3,5% và lợi nhuận tăng 0,5%
Các chương trình trợ giá Subsidy và trả góp F.Friends không như kỳ vọng
Subsidy – chương trình bán điện thoại trả góp lãi suất 0% đi kèm với các gói cước gọi thoại + dữ liệu với giá ưu đãi của 2 nhà mạng Vietnamobile và Mobifone vốn gặp trở ngại khi người dùng không muốn đổi số điện thoại. Do đó, chính sách của bộ TT&TT cho phép chủ thuê bao được chuyển mạng giữ số triển khai từ cuối năm 2018 được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn của chương trình này.
Tuy nhiên, thực tế các nhà mạng vẫn gây nhiều khó khăn cho người dùng khi muốn chuyển mạng giữ số. Các gói cước bán kèm điện thoại của Subsidy tuy hấp dẫn nhưng vẫn chưa thể thu hút nhiều người dùng. Mặt khác, FPT Retail cho biết đang có nhiều điểm chưa thỏa thuận được với các nhà mạng hiện tại nên sẽ không kí thêm các gói cước mới cho Subsidy. Thay vào đó, công ty sẽ đẩy mạnh chương trình F.Friends hơn trong năm nay.
Với F.Friends, quy mô đã tăng từ 2.000 doanh nghiệp với 650.000 thành viên (giữa năm 2018) lên 2.500 doanh nghiệp với 1 triệu thành viên vào cuối năm. FPT Retail sẽ mở rộng tập khách hàng từ các xí nghiệp sản xuất sang công ty dịch vụ, nơi người lao động có mặt bằng thu nhập cao hơn và thường dùng sản phẩm cao cấp hơn.
Song song với đó, công ty cũng đang phát triển phần mềm chấm điểm tín dụng của khách hàng nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu, dựa trên cơ sở dữ liệu của trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước (CIC) và lịch sử bán hàng của FPT Retail. Trong quý 1, hai chương trình trên chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ, đóng góp 10% tổng doanh thu.
Đánh giá về hiệu quả của F.Friends (từ 2017) và Subsidy (từ 2018), chứng khoán Rồng Việt cho rằng 2 chương trình này đã góp phần không nhỏ giúp FPT Retail vẫn có thể duy trì chỉ số SSSG (tăng trưởng doanh thu trên cùng một cửa hàng) từ 1%-3% trong 2 năm gần đây, xấp xỉ Thế Giới Di Động. Đây là con số không tồi, nhất là tính đến việc mảng ICT của FPT Retail bị ảnh hưởng mạnh hơn từ sự bão hòa của thị trường do có tỷ trọng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào phân khúc điện thoại cao cấp. Dù vậy, đóng góp của 2 chương trình này đang chững lại, hiện vẫn dừng ở mức 10% trên tổng doanh thu sau 1 năm qua. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng của FPT Retail và cả chứng khoán Rồng Việt.
Hợp tác với Nguyễn Kim và Fado là một phần trong nỗ lực tăng doanh thu cửa hàng hiện hữu của FPT Retail. Các sản phẩm điện máy của Nguyễn Kim sẽ được bày bán trên website của FPT Shop. Website của FPT Retail cũng có 1 khu vực riêng dành cho hàng hóa mua online từ Amazon, trong hợp tác với Fado – một đơn vị vận chuyển/kinh doanh hàng xuyên biên giới. Do mới chỉ trong quá trình thử nghiệm trên website, FPT Retail chỉ hưởng 1 khoản hoa hồng không đáng kể. Nếu khả quan, phạm vi hợp tác sẽ được mở rộng ra các cửa hàng FPT Shop.
Mặc dù vậy, với mức độ cạnh tranh rất cao và ngày càng tăng lên trong ngành điện máy và mua hàng xuyên biên giới, Rồng Việt cho rằng ngay cả khi FPT Retail có thể chuyển đổi lượng khách tăng thêm sang doanh thu ICT của chính mình, đóng góp từ các hợp tác trên vào KQKD là không quá triển vọng.
Cạnh tranh về giá vẫn là chiến lược chủ đạo của Long Châu
Chuỗi nhà thuốc Long Châu có thêm 6 cửa hàng mới trong quý 1, nâng tổng số cửa hàng lên 28. Doanh thu cả hệ thống đạt 53 tỷ đồng, với SSSG các cửa hàng mở trên 18 tháng đạt 6% trong quý 1. Tuy vậy FPT Retail mới chỉ hợp nhất 37 tỷ đồng doanh thu từ Long Châu do vẫn còn gần 10 cửa hàng chưa chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên hình thức công ty.
Nhờ áp dụng công nghệ vào quản lý hàng tồn kho, chi phí cho sản phẩm quá hạn giảm từ 100 triệu đồng/tháng trên toàn hệ thống xuống còn 10-20 triệu đồng/tháng sau khi được FPT Retail mua lại. Chuỗi này cũng đang mở rộng ra tỉnh, với 2 cửa hàng tại Đồng Nai và 1 cửa hàng tại Tiền Giang.
Chiến lược cạnh tranh về giá vẫn là chủ đạo của Long Châu, nhất là tại thị trường tỉnh, theo đó Long Châu không áp dụng chính sách giá thống nhất trên toàn hệ thống mà sẽ bán với giá rẻ hơn tại các tỉnh thành nơi người dân có thu nhập trung bình thấp. Rồng Việt nhận định, đây là chiến lược phù hợp bởi đối thủ chính của Long Châu sẽ là các nhà thuốc tư nhân có giá bán rất cạnh tranh. Mặc dù điều này sẽ làm giảm biên lợi nhuận trong thời gian đầu, hiệu quả sẽ tăng lên cùng với lợi thế quy mô.
Theo Hà My
Trí thức trẻ