Ngày 10/4, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh năm 2021. Nhiều thí sinh quan tâm đến sự khác nhau giữa hai ngành học Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế.

Khác biệt nhưng vẫn có sự giao thoa

“Có nhiều người còn mơ hồ về hai ngành học này. Đây cũng là điều dễ hiểu vì thực tế, hai ngành này có sự giao thoa với nhau như cùng đạo tạo cử nhân kinh tế hay người học đều phải học những môn đại cương, môn cơ sở ngành như nhau”, TS Nguyễn Thị Thúy Hồng, Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết.

{keywords}

TS Nguyễn Thị Thúy Hồng, Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Cụ thể, theo bà Hồng, cử nhân ngành Kinh tế quốc tế sẽ có cơ hội làm việc trong các cơ quan cấp bộ, cục, vụ, viện; các trường đại học, viện nghiên cứu; tham gia vào các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu, logistics,…  

Trong khi đó, cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế sẽ phục vụ cho các ngành về vi mô, các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư quốc tế, dự án nước ngoài, dự án chuyển giao khoa học công nghệ và các dịch vụ quốc tế khác.  

Về bản chất, hai ngành này có nhiều nét tương đồng, chỉ khác nhau về các môn chuyên ngành chuyên sâu như Kinh tế quốc tế thiên về vĩ mô, còn Kinh doanh quốc tế thiên về vi mô.  

“Chương trình của cả hai ngành học đều được thiết kế dựa trên chương trình quốc tế, tham khảo từ các trường đại học có xếp hạng trên thế giới. Nhìn vào nhu cầu của xã hội và thực tiễn phát triển của kinh tế nước nhà, chúng tôi liên tục có những điều chỉnh chương trình dạy – học sao cho phù hợp, đáp ứng được chất lượng sinh viên và nhu cầu việc làm sau khi ra trường cho các em”, TS Hồng chia sẻ

Điểm chuẩn dự kiến vẫn ở top đầu, tỉ lệ 'chọi' cao

Theo TS Nguyễn Thị Thúy Hồng, Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế là 2 ngành còn non trẻ nhưng luôn thu hút thí sinh. Liên tiếp 4 năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào của 2 ngành này luôn ở ngưỡng 24 – 28 trên thang điểm 30.

“Ngoài việc giảng dạy lý thuyết cơ sở, lý thuyết chuyên sâu về ngành học, sinh viên theo học Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh quốc tế sẽ được nghiên cứu về các chính sách, đối sách, đàm phán quốc tế.  

Các tiết học cũng được tăng thời lượng thực hành bằng việc mô phỏng những buổi đàm phán, giúp sinh viên được rèn nghề như trong môi trường làm việc thực thụ”.

Sinh viên khi theo học hai ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế cũng đòi hỏi khả năng tiếng Anh phải tốt do các em cần phải học từ các tài liệu chuyên khảo cùng các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Theo TS Hồng, việc đẩy mạnh thực hành và tiếng Anh trong chương trình học sẽ giúp sinh viên vững kỹ năng nghề và năng động hơn. Theo khảo sát, sau khi ra trường, nhiều sinh viên ngành này có thể đạt mức lương khởi điểm dao động từ 800 – 1000 USD/tháng.

TS Hồng nhìn nhận, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc các doanh nghiệp thu hẹp biên chế hoặc kiêm nhiệm khiến tỉ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề giảm đi tương đối so với những năm trước đó.

“Tuy nhiên, đến hiện tại, nhu cầu của xã hội về nhân lực trong hai ngành này vẫn tương đối lớn. Việt Nam là một nước đang phát triển, cần ký kết rất nhiều hiệp định kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc, ít nhất trong khoảng 5 năm tới, ngành học này vẫn thu hút người học”, bà Hồng nói.

Nhóm PV

ĐH Kinh tế Quốc dân cho thí sinh đăng ký tới 54 nguyện vọng

ĐH Kinh tế Quốc dân cho thí sinh đăng ký tới 54 nguyện vọng

Nếu như năm ngoái, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ cho phép thí sinh đăng ký tối đa 10 nguyện vọng thì năm nay, trường không giới hạn số lượng đăng ký. Thậm chí, thí sinh có thể đăng ký tới 54 nguyện vọng ứng với 54 mã ngành.