Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau gần hai năm triển khai thực hiện, về cơ bản, tất cả các nhiệm vụ Chiến lược đặt ra đều được triển khai theo đúng lộ trình.

Trong một bài viết có tính chất tổng kết, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý hiện hành còn bất cập, chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

Nhiều ngành nghề truyền thống được hỗ trợ vay vốn để duy trì, phát triển

Thứ hai, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống POS/ATM của các tổ chức tín dụng phân bố chủ yếu ở khu vực thành thị, các khu kinh tế phát triển, khu đông dân cư, trong khi còn hạn chế tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, các sản phẩm, dịch vụ tài chính cần tiếp tục được đa dạng hóa, thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của một số phân khúc khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; TTKDTM mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên một bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa sử dụng phổ biến hình thức thanh toán này; sản xuất nông nghiệp còn thiếu các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế rủi ro, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chậm triển khai; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng.

Thứ tư, Cần tiếp tục đẩy nhanh khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc định danh, xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện vẫn chưa hoàn thiện, tạo không ít khó khăn cho công tác giám sát, đánh giá việc thực thi các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.

Thứ năm, công tác truyền thông về tài chính toàn diện mới đạt được những kết quả bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai với những hình thức đa dạng, phong phú hơn; cần tiếp tục đẩy nhanh việc lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào các chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã để lại những hệ quả nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân khó khăn cũng có tác động không nhỏ tới kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược. Do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược. Cụ thể:

- Tiếp tục xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đi đôi với nâng cao năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế, nhất là khuyến khích phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

- Nghiên cứu, bổ sung các quy định về bảo hiểm vi mô, tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai chính sách mới về bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tính chất cho vay và bảo lãnh tín dụng.

- Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường kết nối hạ tầng thanh toán phục vụ cho các giao dịch thanh toán điện tử trong nền kinh tế; đẩy nhanh việc khai thác kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phục vụ xác minh thông tin khách hàng, giúp các tổ chức tín dụng tăng cường phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện và tình hình thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện.

- Tăng cường công tác giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cho người dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tận dụng hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

- Các địa phương cần tiếp tục chủ động lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực thực hiện; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

- Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục sắp xếp, mở rộng độ bao phủ mạng lưới hoạt động cũng như năng lực cung ứng dịch vụ tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển các kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ và các tiện ích cho khách hàng. Có những chính sách, giải pháp và những sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù, phù hợp với khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các đối tượng này tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.

Những kết quả tích cực đã đạt được, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan là cơ sở để tiếp tục thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thành tốt các mục tiêu Chiến lược đề ra, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng và nhất định không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thanh Thủy, Lệ Yên, Hồng Kiên