Thiếu nhà hàng, nơi cầu nguyện cho khách

Tại Hội nghị Giải pháp thu hút khách du lịch Hồi giáo (du lịch Halal) đến Quảng Ninh ngày 12/9, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết, người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm chi trả cao, do đó các quốc gia luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây, số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. 

Nếu năm 2013, khoảng 108 triệu lượt khách đạo Hồi đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt. Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021, tốc độ phục hồi thị trường này dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, con số này là khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận xét số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến Việt Nam còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những vị khách Hồi giáo đầu tiên đến TP.HCM) cho đến trước dịch Covid-19, tức trong 4 năm, chúng ta mới đón được gần 1 triệu khách. 

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao (Ảnh: CTV)

Trong khi đó, thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho thấy, có hơn 400.000 khách từ khu vực Trung Đông (trong số 11,8 triệu khách quốc tế) tới Thái Lan năm 2022, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi tiêu của nhóm du khách này cũng tăng 71% so với năm 2019.

Thái Lan đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia không theo đạo Hồi được khách Hồi giáo ưa chuộng, sau Malaysia, Singapore và Vương quốc Anh. 

Còn tại Việt Nam, người đứng đầu ngành du lịch nhận xét, du lịch Hồi giáo chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều.

Tại các sân bay, cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo và khu ẩm thực Halal tại sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào  tháng 12/2022. Tuy nhiên, nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo - chiếm tỷ lệ nhỏ so với hàng ngàn du khách Hồi giáo qua lại mỗi ngày. 

TP.HCM hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có 3 thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện. Ở các khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực ĐBSCL và cả khu vực Tây Nguyên như Đà Lạt, nhà hàng Halal và phòng cầu nguyện dường như chưa có, trừ một số ít thánh đường Hồi giáo mà du khách có thể được phục vụ.

Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, chuyên gia dự án EU, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Khách sạn Đông Á, du lịch Hồi giáo đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Song, Việt Nam chưa thực sự chú trọng thị trường này, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước.

Quảng Ninh đón 32 khách du lịch Ấn Độ và người Hồi giáo vào cuối tháng 8 (Ảnh báo Quảng Ninh).

Về phía địa phương, bà Nguyễn Huyền Anh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh - thừa nhận, dù khách Ấn Độ và khách đến từ các nước Hồi giáo tới Quảng Ninh gần đây tăng dần, như khách Ấn 8 tháng năm 2023 đạt 113.000 lượt so với khoảng 22.000 khách của cả năm 2022, gấp hơn 5 lần, nhưng vẫn không nhiều.

Rào cản khiến địa phương khó hút khách là việc truyền thông, quảng bá còn hạn chế; sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thị hiếu tiêu dùng nên sản phẩm du lịch chưa phong phú; cơ sở hạ tầng chuyên biệt phục vụ dòng khách này còn yếu...

Tập trung đón khách Hồi giáo giàu có

Qua phân tích và đánh giá thị trường, xu hướng du lịch của người Hồi giáo, Islam đang rất khả quan. Tính về số dân, người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người. Mỗi năm, lượng tiền họ chi dùng, mua sắm,… ước tính hết khoảng 10.000 tỷ USD. Vậy làm thế nào để thu hút dòng tiền này chảy vào các dịch vụ du lịch ở Việt Nam đang là hướng quan tâm mới của các nhà đầu tư và những nhà kinh doanh du lịch.

Trong khi đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, nhiều tiềm năng, trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Arab Saudi, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain. 

Phòng chờ đạt tiêu chuẩn Halal phục vụ khách thương gia theo đạo Hồi tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: vntravellive)

Ông lý giải, khách du lịch từ khu vực Trung Đông ngoài đặc điểm chung là theo đạo Hồi, còn có đặc điểm riêng là thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư, có spa, safari cho trẻ con, kết hợp đi du lịch để tìm cơ hội thương mại, đầu tư. Do vậy, cần tập trung nghiên cứu đầu tư nâng tầm dịch vụ phục vụ nhu cầu đặc biệt của khách Hồi giáo. Tiếp tục khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo gần như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ. 

Do đó, cần chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo. 

Đồng thời, xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí,… đảm bảo sự tiện lợi cho khách ở mọi nơi, mọi thời điểm, bởi người theo đạo Hồi cầu nguyện 5 lần một ngày.

Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, điều khó nhất là mọi thứ phải đạt đến chuẩn xanh, sạch, thật sự thân thiện với người Hồi giáo. Một khi đạt được niềm tin của họ, tự họ sẽ giới thiệu cho nhau, tự lan tỏa và chia sẻ trong cộng đồng Hồi giáo. Đây là lợi ích bền vững lâu dài mà du lịch Việt Nam cần hướng đến, tận dụng.