Theo số liệu từ Bộ Du lịch Ấn Độ, năm 2018, Ấn Độ đón khoảng 10,56 triệu lượt khách nước ngoài, trong đó có 31.427 khách đến từ Việt Nam với mức tăng 32,21%.
Ở chiều ngược lại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, cho hay, năm ngoái chúng ta đón 163.000 khách Ấn Độ. Riêng tại TP.HCM, lượng khách du lịch Ấn Độ thứ 11 trong số 20 thị trường nguồn của TP, với gần 103.023 lượt năm 2018, tăng gần 81% so với năm trước đó.
Mặc dù lượng khách du lịch hai bên tăng cao luôn ở mức trên 30%, song theo ông Ngô Hoài Chung, vẫn còn thấp hơn tiềm năng.
Năm 2017, hơn 23,94 triệu khách du lịch Ấn Độ đi du lịch nước ngoài, trong đó riêng thị trường Đông Nam Á đón 2 triệu người. |
Vì thế, tại sự kiện "Ấn Độ diệu kỳ" tổ chức tại Hà Nội chiều 26/8, ông Gyan Bhushan, Tổng vụ trưởng vụ Kinh tế, Bộ Du lịch Ấn Độ, cho hay nước này kỳ vọng 5 năm tới, lượng khách Việt Nam đến Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, đại diện 17 công ty du lịch, đơn vị lữ hành và đại diện Sở Du lịch của 2 bang Ấn Độ đã tới Hà Nội để trực tiếp giới thiệu sản phẩm và dịch vụ du lịch; đồng thời tiến hành giao dịch B2B với các DN lữ hành Việt Nam.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai bên, tới đây hàng loạt đường bay thẳng giữa hai nước sẽ được mở. Cụ thể, đầu tháng 12, Vietjet Air sẽ khai thác đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi New Delhi, tần suất 3-4 chuyến/tuần. Hãng Indigo cũng mở bay hàng ngày chặng Hà Nội - New Delhi từ 3/10, và TP.HCM - New Delhi từ 20/10. Nhờ đó, rút ngắn thời gian bay giữa Việt Nam và Ấn Độ còn 3 đến 3 tiếng rưỡi, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch giữa hai nước.
Hiện Ấn Độ áp dụng cơ chế cấp thị thực điện tử cho 169 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, có giá trị tại 28 cửa khẩu hàng không và 5 cửa khẩu tại các cảng biển, góp phần thu hút khách nước ngoài tới đây.
Ngọc Hà