Ngày 2/3, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành "Quy định về một số vấn đề liên quan áp dụng pháp luật trong các vụ án tranh chấp mua bán trực tuyến". Trong đó, chủ yếu xác định quyền và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng mua bán online.
Tuy nhiên, Zheng Xuelin, Chủ tịch Vụ Dân sự của Tòa án nhân dân tối cao, cho rằng Điều 1 của quy định mới là không công bằng và hợp lý về mặt thực tế.
Theo đó, quy định nêu rõ khi khách "ký nhận đồng nghĩa với họ xác nhận món hàng đạt chất lượng" và "không thể trả lại sau khi mở hàng".
Nhiều khách hàng gặp khó trước quy tắc đã ký nhận không thể trả hàng. Ảnh: CBNData. |
Quy định bất cập
Luật Bảo vệ Người tiêu dùng Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống hoàn trả không lý do trong 7 ngày. Trên thực tế, nhiều nhà bán từ chối nhận lại hàng vì món đồ đã được khách mở ra xem.
Song quy định mới lần này lại khiến người tiêu dùng gặp khó.
Theo đó, nếu khách tự ý mở gói hàng, kiểm tra hàng hóa do cần thiết, dù không ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của sản phẩm, thì Tòa án nhân dân không hỗ trợ việc đổi trả không lý do, trừ trường hợp có quy định khác trong luật.
Theo The Paper, quy định mới này khiến những tranh cãi về bất cập trong vấn đề xử lý khiếu nại khi mua sắm online gia tăng.
Trên trang "Khiếu nại mèo đen", nơi tập hợp các khiếu nại của người tiêu dùng, không ít khách hàng đã chia sẻ vấn đề của mình khi mua hàng qua mạng.
Khách mua sắm online có thể không hài lòng với sản phẩm khi trải nghiệm trực tiếp. Ảnh: Getty. |
Li, một khách hàng đến từ Quảng Tây, cho biết cô mua một chiếc máy rửa mặt trên mạng nhưng khi mở ra kiểm tra thì không thể kết nối với app để sử dụng. Nghi ngờ mua phải hàng giả, cô đã liên hệ với cửa hàng.
Kết quả, nhân viên tư vấn cho biết Li không thể hoàn lại vì cô đã ký nhận hàng và tự mở ra mà không có sự chứng kiến của nhân viên giao hàng. Đây là tình huống không nằm trong phạm vi giải quyết của cửa hàng.
Người dùng tên Su Qi cho biết chiếc tai nghe mua từ nước ngoài thông qua sàn Tmall bị lỗi nhưng không được bồi thường. Anh mô tả khi mở hàng ra thử, thấy chiếc tai nghe không phát âm thanh, dây cũng mỏng và nhẹ hơn mẫu anh xem ở cửa hàng trực tiếp. Tuy nhiên, người bán nói không được phép hoàn trả vì đã mở ra xem.
Mua sắm qua sàn thương mại, qua livestream ngày càng phổ biến. Ảnh: The Paper. |
"Tôi đã mua 3 chiếc quần theo kích cỡ mà người bán tư vấn nhưng chỉ sau một lần giặt chúng đã bị giãn to quá mức. Tôi có khiếu nại nhưng thái độ của người bán hàng quá tệ, họ bảo tôi lần sau nên mua cỡ nhỏ hơn", người dùng "Vô danh" nói.
Một khách hàng có mã người dùng "6433046051" cho biết khi khiếu nại về hàng bị lỗi lên tổng đài người bán, họ liên tục chất vấn tên tuổi rồi bắt anh đổi từ số bộ phận này đến bộ phận khác, nhưng cuối cùng vẫn không được giải quyết.
Thực tế, người tiêu dùng mua sắm theo phương thức truyền thống tại cửa hàng hay trung tâm thương mại có thể trải nghiệm sản phẩm trực tiếp, điều này không thể thực hiện với mua sắm online.
Ngày nay, việc mua bán online đang là xu hướng bùng nổ và ngày càng phổ biến từ thành thị đến nông thôn.
Các tranh chấp nảy sinh từ mua bán qua mạng liên quan đến giá cả và chất lượng sản phẩm yêu cầu cần có bộ quy tắc thống nhất để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
Theo Zing
Phát hiện chồng ngoại tình từ một xác nhận mua hàng online
Một người vợ đã phát hiện ra chồng cô ấy ngoại tình sau khi nhận được thư xác nhận từ cửa hàng thời trang online về việc chồng cô đã thanh toán thành công cho một chiếc váy không bao giờ đến tay vợ.