Có lẽ con số thực tế còn cao hơn rất nhiều vì nhiều doanh nghiệp không chia sẻ chuyện không vui này.
Không ít doanh nghiệp Dệt may đang phải đi đòi nợ vì khách hàng phá sản, khó khăn... Ảnh minh họa: Website May Sông Hồng. |
Báo cáo tài chính quí 3 vừa được công bố của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), doanh nghiệp là chủ nợ của New York & Company, thành viên của hãng bán lẻ RTW Retalwind vừa đệ đơn xin phá sản hồi tháng 7- 2020 cho biết, đơn vị này đã trích lập dự phòng 111,5 tỉ đồng trong quí này cho khoản nợ của khách hàng. Phần trích lập này chiếm hơn 50% tổng số nợ mà New York & Company đang nợ May Sông Hồng (218,77 tỉ đồng). Phần còn lại, hơn 107,2 tỉ đồng, được May Sông Hồng kỳ vọng có thể thu hồi.
Như vậy, sau quí 2-2020 chưa trích lập dự phòng thì ở quí 3, May Sông Hồng đã phải thực hiện việc này sau khi làm việc với bên liên quan.
Bên cạnh khoản thu quá hạn với New York & Company kể trên, May Sông Hồng cũng phải tiếp tục trích lập dự phòng với khoản nợ của Tập đoàn Prime Apparel, cũng về may mặc với số tiền hơn 25,2 tỉ đồng. So với thời điểm 31-12-2019, khoản trích lập dự phòng đã tăng khá nhiều và phần có khả năng thu hồi thì giảm mạnh.
Ở một doanh nghiệp khác cũng gặp tình trạng khách hàng đệ đơn phá sản như MSH là Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM), việc thu hồi nợ dường như vẫn… dậm chân tại chỗ.
Báo cáo quí 3-2020 vừa được công ty này công bố cho thấy, khoản nợ của hai khách hàng: Sears, Roebuck and Co và Kmart Corporation, hai công ty con của Sears Holding, doanh nghiệp đã đệ đơn phá sản tại Mỹ từ năm 2018 vẫn.. nằm nguyên trong sổ sách. Trong đó, số phải thu với Sears Roebuck and Co là hơn 63,79 tỉ đồng và Kmart Corporation là hơn 37 tỉ đồng.
Báo cáo cũng thể hiện, tại thời điểm 30-9-2020, TCM đã trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu khó đòi là hơn 91,37 tỉ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm 31-12-2019.
Tuy nhiên, MSH hay TCM không phải là các chủ nợ bất đắc dĩ hiếm hoi tại Việt Nam hiện nay. Tại Diễn đàn Kinh doanh 2020 do Tạp chí Forbes tổ chức hôm 15-10, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói rằng, ông mới nghe thông tin là tổng số tiền các nhà nhập khẩu chưa, không thanh toán cho các doanh nghiệp trong ngành này là 1,8 tỉ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp đang phải thuê luật sư ở Mỹ, châu Âu để thu hồi nợ.
MSH đã trích lập dự phòng cho khoản nợ của đối tác Mỹ đã đệ đơn phá sản. |
Và nhìn vào việc ghi nhận các con số nợ phải thu từ quí này sang quí khác của TCM hay việc cuối cùng phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu với New York & Company của MSH thì có thể thấy, các chủ nợ từ Việt Nam dường như đang vô cùng khó khăn trong việc thu hồi tiền hàng trong khi vẫn phải chi trả không ít chi phí cho luật sư.
Trong một diễn biến khác, báo cáo tài chính quí 3 ở một số doanh nghiệp dệt may đã lên sàn chứng khoán cho thấy, tình hình kinh doanh trong quí này có sự phân hóa rõ rệt. Ở các doanh nghiệp chỉ cung cấp các mặt hàng may mặc truyền thống thì tình hình vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Lợi nhuận quí 3 có tăng so với quí 2 trước đó nhưng với cùng kỳ năm ngoái vẫn là khoảng cách lớn.
Nguyên nhân chung là doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ do các khách hàng truyền thống giảm hoặc hủy các đơn hàng khi sức mua suy giảm dưới tác động của Covid - 19. Trong khi đó, với doanh nghiệp đã đa dạng hóa các mặt hàng, có thêm đồ bảo hộ y tế, vải kháng khuẩn… thì kết quả tốt hơn.
Ông Vũ Đức Giang hôm 15-10 cũng chia sẻ, đơn hàng trong quí 3 ở ngành dệt may đã có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh vào quí 2. Tuy nhiên, “niềm vui” không chia đều cho tất cả. Nhu cầu đang nằm ở các mặt hàng đồ thun, đồ mặc nhà, còn veston, sơ mi cao cấp thì vẫn giảm đến 80%.
(Theo TBKTSG Online)