Theo thông tin từ UBND huyện Ba Vì (Hà Nội), lễ hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ lồng ghép hoạt động khai trương những sản phẩm du lịch của huyện ngay từ những ngày đầu năm mới, giới thiệu, quảng bá các hình thức du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng tới đông đảo du khách tham gia lễ hội.

W-z5170191817953-cf6556da95bcb266473d0a8a9c62976d-1.jpg
Màn trình diễn múa lân trong lễ hội.

Trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì đã rất quan tâm, định hướng và phát triển du lịch, nhằm khai thác tiềm năng thiên nhiên, tiềm năng văn hóa xã hội để phát triển du lịch.

Nhắc đến Ba Vì, du khách nghĩ ngay đến một vùng giàu tiềm năng du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, các doanh nghiệp tiên phong đã đầu tư nhiều tỷ đồng, xây dựng sản phẩm du lịch từ những giai đoạn đầu như: Ao Vua, Khoang Xanh, Vườn Quốc Gia, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà resort...

W-z5170073389784-13882d2476b000fc621a2a8eaa104e0a-1.jpg
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cẩn cáo tới đức thánh Tản Viên Sơn Thánh.

Giá trị về môi trường thiên nhiên, văn hóa, xã hội và tâm linh

Ba Vì là vùng đất thiêng sông núi, địa danh được biết đến gắn liền với truyền thuyết huyền thoại “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.  Nơi đây tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc như đình, chùa, đền, miếu… với hơn 300 di tích lịch sử văn hoá, trong đó các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh đã chiếm 1/3 số lượng di tích.

W-z5170187069975-04d9f89184627cafe811445bd3a724ef-1.jpg
Quay kiệu trong lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh thể hiện tinh thần đoàn kết, là sự liên kết cộng đồng sâu sắc. Tản Viên Sơn Thánh là biểu tượng của sức mạnh liên kết, liên kết sức mạnh của đất và núi, liên kết giữa các bộ lạc dưới quyền thống lĩnh của vua Hùng, liên kết giữa Lạc Việt và Âu Lạc, liên kết giữa sức mạnh của con người và thánh thần...

Núi Ba Vì và vùng xung quanh núi Ba Vì là nơi gắn với những câu chuyện, truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Ngọn núi Ba Vì vốn đã cao nhất lại gắn với vị Thánh đứng đầu trong Tứ bất tử.

Nơi nào có thần, tức là nơi đó có sự thiêng liêng, có phép lạ, phép màu và vì thế đã tạo ra không gian thiêng cho vùng núi Ba Vì để rồi chính không gian thiêng ấy tự nó làm thành một sức mạnh vô hình có khả năng kiểm soát, cưỡng chế bằng tâm linh những hành vi vô ý thức và tạo ra rào cản ngăn chặn những hành vi phá hoại hay khai thác quá độ tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Trên đỉnh núi thiêng Ba Vì là đền Thượng - nơi để thần núi ngự về chứng ngộ tâm linh và cũng là điểm đến cho con người tới đây hành hương vừa kêu cầu tới thần ban phước, vừa là dịp để con người được chiêm ngưỡng sự bao la hùng vĩ của núi rừng mà thấy hết tầm vóc của non sông đất nước.

Vai trò của di sản đối với đời sống cộng đồng hiện nay

Trong cuộc sống từ xa xưa đến nay, con người luôn cảm thấy mình rất nhỏ bé trước sức mạnh tự nhiên, họ ngưỡng mộ, tôn thờ và tin vào sự che chở của những biểu tượng mà họ cho rằng có sức mạnh siêu việt.

W-z5170191835923-baef721d6b0cf33625055390671af911-1.jpg
Rước kiệu trong lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Tản Viên Sơn Thánh - anh hùng trị thủy, anh hùng liên minh các bộ tộc, anh hùng khai sáng văn hóa... là ân nhân, biểu tượng tôn thờ của người Việt - Mường.

Lễ hội tưởng niệm Tản Viên Sơn Thánh là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng của những người nông dân nơi thôn quê.

Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí.