Hội thảo với chủ đề “Quản lý Cạnh tranh và Giá cước viễn thông” do Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) chủ trì tổ chức nhằm hiểu sâu sắc hơn kinh nghiệm và thực tiễn quản lý viễn thông của các nước... sẽ diễn ra trong 3 ngày 30, 31/10 và 01/11.

{keywords}
Hội thảo “Quản lý Cạnh tranh và Giá cước viễn thông” khai mạc sáng 30/10.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thị trường viễn thông Việt Nam trong 10 năm gần đây đã phát triển với tốc độ rất nhanh và được mở cửa hoàn toàn.

Toàn thị trường hiện có 70 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động, trong đó có 37 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng, 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Tính tới hết tháng 6 năm 2017, mật độ thuê bao di động đạt 124 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao băng rộng di động là 50 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao băng rộng cố định là11 thuê bao/100 hộ gia đình.

Trong vòng một thập kỷ qua, cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông diễn ra rất sôi động, nhờ đó chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được cải thiện, giá cước dịch vụ liên tục giảm nhưng doanh thu viễn thông vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định.Đồng thời, trên thị trường đã có những doanh nghiệp phát triển đủ lớn, không những đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn đang mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế theo xu hướng hội tụ đa dịch vụ và xóa bỏ giới hạn về địa lý.

Cạnh tranh có vai trò ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thị trường, là yếu tố giúp cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và sự ổn định của cả nền kinh tế, nhưng cũng có thể tạo ra các mầm mống gây đổ vỡ thị trường.

Thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam đang ở vào thời điểm khó thu hút, phát triển thêm thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần ngày càng khốc liệt, đặc biệt là cạnh tranh về giá cước dưới nhiều hình thức khác nhau như cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục. Nếu cách thức cạnh tranh đó tiếp diễn thì các doanh nghiệp sẽ dần đi tới phá sản, gây tác động không nhỏ tới hoạt động của các ngành kinh tế-xã hội khác.

Trong giai đoạn thị trường biến động, vai trò quản lý và điều tiết thị trường của Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển nóng và đặc thù như ngành viễn thông. Tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong viễn thông tạo ra thành quả và lợi ích lớn cho xã hội, vì thế cũng đòi hỏi sựthích nghi cao từ phía các chủ thể tham gia thị trường, cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong ba ngày 30, 31/10 và 01/11 Cục Viễn thông chủ trì tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý Cạnh tranh và giá cước viễn thông” nhằm hiểu sâu sắc hơn kinh nghiệm và thực tiễn quản lý viễn thông của các nước, mô hình và phương pháp thực hành quản lý cạnh tranh và giá cước, các công cụ quản lý, các biện pháp cụ thể đã được áp dụng thành công, từ đó xác định các chính sách điều tiết thích hợp nhằm bảo đảm cân đối giữa sự phát triển của các doanh nghiệp với lợi ích tổng thể dài hạn của xã hội.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp viễn thông và đặc biệt là sự tham gia của các diễn giả đến từ Liên minh Viễn thông quốc tế, Uỷ ban Truyền thông Brazil, Uỷ ban Thông tin và Truyền thông Malaysia, Uỷ ban Truyền thông Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ, Uỷ ban Phát thanh truyền hình và Viễn thông Thái Lan.

Đây được xem là diễn đàn để các nhà quản lý viễn thông quốc tế chia sẻ, trao đổi và thảo luận với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp viễn thông Việt Nam kinh nghiệm và các bài học trong quản lý cạnh tranh và giá cước trên thế giới, đặc biệt là về các nội dung: Phân loại thị trường liên quan trong viễn thông; Tiêu chí xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường và các biện pháp quản lý; Điều tiết thị trường viễn thông trong môi trường cạnh tranh; Phương pháp xác định giá thành và quản lý giá cước dịch vụ viễn thông; Hạch toán riêng các dịch vụ viễn thông.

H.P.