Ngày 15/11, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Tĩnh, một tỉnh ven biển thuộc khu vực Bắc Trung bộ, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, Đông - Tây, với bờ biển dài 137km, nguồn lợi thủy sản dồi dào, có ngư trường rộng lớn để phát triển ngành khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản và nhiều bãi biển đẹp thích hợp cho phát triển du lịch.

Hà Tĩnh có 3 cảng biển, bao gồm: Cảng biển nước sâu Sơn Dương, cảng Vũng Áng và cảng Xuân Hải, trong đó cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế, có các dự án trọng điểm hình thành cụm công nghiệp nặng, từng bước trở thành khu kinh tế tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Với điều kiện tự nhiên đặc trưng đó, kinh tế biển Hà Tĩnh chủ yếu tập trung vào 3 ngành nghề, hoạt động chính bao gồm: Đánh bắt và nuôi trồng hải sản; Du lịch biển; Vận tải biển và dịch vụ cảng biển. Trong đó, 2 ngành nghề truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế biển Hà Tĩnh từ trước đến nay vẫn là hải sản và du lịch biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự đầu tư và hiện đại hóa hệ thống cảng biển, nhóm ngành vận tải và dịch vụ cảng biển cũng đã và đang dần trở thành ưu thế mới của tỉnh.

vungang.png
Một góc khu kinh tế Vũng Áng

Khu kinh tế Vũng Áng với một số ngành công nghiệp ven biển như luyện kim, điện năng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như khu vực, hiện đang xúc tiến đầu tư thêm dự án lĩnh vực năng lượng, công nghiệp ô-tô như Nhà máy nhiệt điện 2, các nhà máy pin của Tập đoàn Vingroup.

Trong 5 năm, Hà Tĩnh huy động và bố trí hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, đê biển, du lịch, quân sự; góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế biển, phát triển kinh tế các vùng ven biển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh địa bàn biên giới biển.

Từ đầu năm 2018 đến nay, khu vực ven biển đã được chấp thuận 179 dự án đầu tư trong nước quy mô 23.500 tỷ đồng và 14 dự án vốn đầu tư nước ngoài quy mô 2,55 tỷ USD... Nhiệm vụ ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển được thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh không còn huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, quan điểm, tư tưởng của Trung ương Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã được định hình và khẳng định rõ nét trong Nghị quyết 36-NQ/TW. Các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện.

Đánh giá cao những kết quả toàn diện, bước chuyển mình rõ nét của Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tinh thần, quan điểm, nhất là giải pháp có tính đột phá mà Nghị quyết đề ra. Địa phương đã triển khai xây dựng quy hoạch phát triển dài hạn, quy hoạch phát triển vùng, liên kết vùng, trung tâm phát triển logistics, Khu kinh tế Vũng Áng... một cách kịp thời, khai thác tối đa ưu thế phát triển kinh tế biển của địa phương, xây dựng nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. 

Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển. Sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu kinh tế ven biển. 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn triệt để ô nhiễm môi trường biển. Quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ biển theo hướng tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực biển…

Lương Bằng và nhóm PV, BTV