Nhiều tiềm năng khác biệt

Hòa Bình nằm ở vùng Tây Bắc, diện tích tự nhiên hơn 4.500 km2, quy mô dân số hơn 90 vạn người. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của người Việt cổ. 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hòa Bình là vùng đất luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Hòa Bình là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế, đặc điểm riêng mà không phải địa phương nào cũng có. Nơi đây có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái của vùng trung du và miền núi; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận tiện kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhất là tiếp giáp Thủ đô Hà Nội.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Đây còn là nơi xây dựng một trong những công trình thế kỷ - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá của đất nước. Tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản...; có tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá...

Hòa Bình có nền văn hóa dân tộc đặc sắc với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình, tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như Mo Mường, sử thi Đẻ đất đẻ nước... Văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím...

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang có 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp cùng lượng lao động dồi dào, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nguồn lực phong phú, đa dạng, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông được cải thiện, hạ tầng khu, cụm công nghiệp được xây dựng, Hòa Bình hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhất là các ngành công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái…

Chú trọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã thể hiện quyết tâm cao, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân năm 2022 tăng 3,32%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%.

Nông nghiệp phát triển khá; nông dân được mùa, được giá. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,1%; trong đó, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,73%, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được cải thiện. 

Quy hoạch tỉnh Hoà Bình giai đoạn tới xác định rõ mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP, với các trụ cột tăng trưởng chính là du lịch sinh thái, công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch... Đặc biệt, từ những tiềm năng, lợi thế vốn có, tỉnh Hòa Bình định hướng phát triển kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao với mục tiêu phát triển bền vững.

Vì thế, Hòa Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện nhất quán quan điểm "Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư". Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, để Hòa Bình thực sự là điểm đến đầu tư bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho hay, năm 2022, toàn tỉnh Hoà Bình có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%. 

Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động, trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, thời gian qua Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu...

Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… 

Về lĩnh vực ưu tiên, Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm; trong thương mại, dịch vụ, tỉnh ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; trong du lịch, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch...

Thuý An