- Khán giả muốn được tận mắt chứng kiến bước nhảy điệu nghệ của những thí sinh nổi tiếng nhưng chỉ còn biết than trời khi cuộc thi… không bán vé.
Thí sinh Bước nhảy hoàn vũ gặp nguy
Nghệ sĩ - được và mất với Bước nhảy hoàn vũ
Bước nhảy Hoàn vũ bị "dội bom" liên tiếp
Thu Minh, Thanh Thúy sẽ đăng quang Bước nhảy Hoàn vũ 2011?
Giám khảo Bước nhảy hoàn vũ: mỗi người một ý
Bước vào đêm thứ tám, cuộc thi chính thức chuyển từ Hà Nội vào TP.Vũng Tàu với địa điểm được chọn là Nhà thi đấu của Trung tâm Thể dục – Thể thao tỉnh.
Cơn sốt của người dân thành phố biển nhanh chóng chuyển từ phòng khách với chiếc tivi đến… văn phòng của Trung tâm Thể dục – Thể thao tỉnh. Trong thời gian làm việc, vài đường dây điện thoại của văn phòng này đã buộc phải ngắt ra vì dồn dập những cú điện thoại của khán giả truy lùng vé của Bước nhảy hoàn vũ.
Nỗ lực liên hệ vé qua điện thoại, internet bất thành, nhiều khán giả quyết tâm đến tận địa điểm diễn ra để dò hỏi bất cứ ai có dấu hiệu… giống người bán vé. Tại khu vực này trước giờ diễn ra, hàng trăm người đứng ngồi lố nhố với hi vọng có được chiếc vé vào cửa. Thất vọng vì biết chúng tôi chỉ là phóng viên, không phải người phụ trách vé của ban tổ chức, một khán giả nhà ở đường Hoàng Việt không giấu được bực dọc: “Tôi đã tìm kiếm và hỏi những người quen để mua vé, nhưng thật đáng tiếc ban tổ chức chương trình lại không bán vé. Trong khi đó vé mời lại rất có hạn nên người dân như chúng tôi muốn đi xem cũng không được”.
Hơn 10 giờ đêm, chương trình diễn ra đã quá nửa thời gian nhưng khi bước ra ngoài trước sảnh nhà thi đấu, chúng tôi vẫn nhận thấy ở khu vực cửa chính vẫn có vài chục người kiên nhẫn đứng chờ, mong có cơ hội được vào xem tận mắt. Riêng ban tổ chức thì kiên quyết không xả cửa.
Có mặt trong đêm diễn, phóng viên Nguyễn Đức của báo Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, mấy ngày qua người dân thành phố gần như tận dụng mọi mối quan hệ xã hội để xin hoặc mua vé nhưng rất hiếm có. “Ngay cả vé mời dành cho quan chức tỉnh cũng rất hạn chế. Nhiều người gọi điện thoại đi khắp nơi để mong có vé đến nhìn mặt thần tượng của mình cũng không được”, anh nói.
Hàng trăm người đứng ngồi lố nhố với hi vọng có được chiếc vé vào cửa của đêm thứ tám “Bước nhảy hoàn vũ”.
Qua tìm hiểu, giới báo chí tác nghiệp trong đêm thi mới vỡ lẽ những người tổ chức đã chỉ gói gọn khu vực trình diễn trên sàn nhà thi đấu, cũng như xếp đặt khoảng 300 – 400 ghế ngồi cho khán giả trong khu vực này để tiện việc thu hình. Nhà thi đấu đa năng với sức chứa tối đa lên đến trên 4000 chỗ ngồi dĩ nhiên trở thành… thừa thãi.
“Chương trình được đưa về Vũng Tàu nhưng lại không dành chỗ cho khán giả vũng Tàu, vậy thì đưa về đây làm gì cho tốn công?”. Bức xúc trên của nhiều khán giả lặn lội đến trước cửa nhà thi đấu xem chừng cũng… có lý.
Sự thiếu tôn trọng và quan tâm đến khán giả địa phương – những người không có nhiều cơ hội được xem trình diễn nghệ thuật thường xuyên – rõ ràng đã làm món ăn “hoàn vũ” dù hấp dẫn, lấp lánh trên truyền hình nhưng lại xa cách, lạnh lùng ngoài thực tế.
Liêu Đông