Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý; góp phần làm rõ ranh giới giữa thềm lục địa của các nước thành viên Công ước và khu vực đáy đại dương quốc tế.
Nhân dịp Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ 34 (SPLOS-34), Đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp và tiếp xúc bên lề với Phó Tổng Thư ký phụ trách pháp lý của Liên hợp quốc, Chánh án ITLOS, Chủ tịch CLCS và một số đoàn tham dự Hội nghị, bao gồm: Philippines, Lào, Malaysia… để thông tin, trao đổi các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy các hoạt động hợp tác về biển và đại dương trong thời gian tới.
SPLOS là Hội nghị hàng năm, được tổ chức theo triệu tập của Tổng Thư ký Liên hợp quốc theo quy định tại Công ước UNCLOS.
Đây là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên cùng trao đổi, thảo luận báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về biển và đại dương và hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước, bao gồm Tòa án Luật Biển quốc tế, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, và Cơ quan Quyền lực đáy đại dương.
Năm 2024 đánh dấu 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực, cũng là kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước.
Việt Nam ghi nhận vai trò ngày càng lớn của ITLOS trong việc góp phần giải thích các quy định của Công ước thông qua quá trình giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên Công ước.
Tiến trình ban hành các ý kiến tư vấn của ITLOS trong thời gian qua đã làm sáng tỏ thêm nhiều quy định của Công ước, đặc biệt là việc ban hành ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu ngày 21/5/2024 vừa qua.
Đồng thời, Đoàn Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý; góp phần làm rõ ranh giới giữa thềm lục địa của các nước thành viên Công ước và khu vực đáy đại dương quốc tế, tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy chế của Công ước về quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích và tài nguyên khoáng sản tại khu vực này.
Trên cơ sở này, Việt Nam kêu gọi thực hiện các biện pháp thiết thực để đẩy nhanh quá trình CLCS xem xét các báo cáo về thềm lục địa ngoài 200 hải lý đã được đệ trình.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) gồm 21 thành viên, là các chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn do các quốc gia thành viên UNCLOS đề cử và dựa trên sự công bằng về mặt địa lý.
Trong tuyên bố ngày 18-7 ngay sau khi nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông lên CLCS, Bộ Ngoại giao cho biết trong khu vực Biển Đông, từ năm 2019 đến nay, một số quốc gia ven biển liên quan đã nộp các đệ trình riêng của mình.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam nộp đệ trình nhằm "bảo đảm các quyền hợp pháp" của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của nước ta tại khu vực giữa Biển Đông mà Việt Nam "hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với Điều 76 của UNCLOS".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định căn cứ vào các quy định liên quan của UNCLOS và phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của mình, "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam".
Trong đó, Việt Nam định nghĩa: "Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa".