Theo đó, UBND tỉnh sẽ dành 7,770 tỷ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp để mua máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ cho sản xuất sản phẩm CNHT.

{keywords}
UBND tỉnh vừa ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025.

Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách địa phương là 5,820 tỷ đồng; nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT của Trung ương 1,950 tỷ đồng. Riêng đối với nguồn kinh phí của địa phương, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn từ các chương trình khác như xúc tiến đầu tư, quỹ phát triển khoa học và công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại…; đồng thời huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai các nội dung của chương trình.

Chương trình cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đối với từng ngành thuộc ngành CNHT như: Cơ khí; Dệt may – da giày; Công nghiệp điện tử, thiết bị điện; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời xây dựng các nội dung triển khai cụ thể như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp  (DN) CNHT trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Hỗ trợ cho khoảng 10 DN về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT.

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Xây dựng trang thông tin, xuất bản các ấn phẩm quảng bá về CNHT. Hỗ trợ cơ sở, DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất…

Hiện nay, tại Khánh Hòa có khoảng 25 DN hoạt động trong các ngành CNHT, tổng giá trị sản xuất chiếm khoảng 4,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

An Hưng