Tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Sở Công Thương Khánh Hòa cho hay, toàn tỉnh hiện có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng năng lực của các đơn vị vẫn còn hạn chế, cạnh tranh thấp.

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ Khánh Hòa chỉ chiếm 4,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh, hàng năm đóng góp ngân sách khoảng 35 tỷ đồng. Tổng số lao động ngành công nghiệp hỗ trợ sử dụng chiếm khoảng 9,5% lao động ngành công nghiệp. công nghiệp hỗ trợ hiện tập trung chính tại các lĩnh vực: Dệt may, cơ khí, công nghiệp điện, điện tử.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn mà lĩnh vực này gặp phải, trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh và tính năng động của doanh nghiệp trên địa bàn, tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2025 là tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển.

{keywords}
Nhằm tháo gỡ các khó khăn mà lĩnh vực này gặp phải, trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liên ngành phục vụ công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh xác định 4 lĩnh vực được chú trọng đầu tư gồm: cơ khí; dệt may, da giày; điện tử, thiết bị điện và lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chính được chú trọng đầu tư

Trong chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh xác định 4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chính được chú trọng đầu tư, gồm: Cơ khí; dệt may, da giày; điện tử, thiết bị điện và lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực cơ khí, Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh phát triển ngành chế tạo máy móc, thiết bị và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí làm động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ chung. Các hoạt động tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng thân thiện môi trường phải được các ban, ngành liên quan quan tâm đúng mức.

Trong lĩnh vực dệt may, da giày, Khánh Hòa xác định tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị vào khâu sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may và hoàn thiện sản phẩm, nhằm thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, đầu tư phát triển sản xuất nguyên, phụ liệu và CNHT ngành da giày, nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành. Trong thời gian tới sẽ ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi, ví chất lượng cao.

Riêng lĩnh vực điện tử, thiết bị điện và công nghiệp công nghệ cao, tuy chưa phải là thế mạnh vượt trội, song lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng xác định cần có sự đầu tư đúng tầm, phấn đấu đến năm 2025 phải có những bước tiến rõ rệt, hình thành các doanh nghiệp có chất lượng, đủ mạnh trong các lĩnh vực này. Dự kiến, nhà nước sẽ chi gần 8 tỷ đồng cho việc hỗ trợ 4 lĩnh vực công nghiệp đã nêu. Trong đó, việc hỗ trợ kết nối các DN trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ quản lý, nhằm đáp ứng chuỗi giá trị toàn cầu được đầu tư kinh phí hiệu quả nhất.

Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để công nghiệp hỗ trợ phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, các vấn đề về thu hút đầu tư, thay đổi tư duy quản lý, vốn… được xác định là giải pháp chính. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường cũng được xem là động lực cơ bản cho công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Ngoạn, khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới của tỉnh hoàn thành cơ sở hạ tầng, khả năng kêu gọi đầu tư sẽ tốt hơn và công nghiệp hỗ trợ sẽ có thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp và sự hỗ trợ của chính quyền, các DN cũng cần tự thân vận động, chủ động trong việc thay đổi công nghệ, thiết bị để bắt kịp xu thế của thị trường.

An Hưng