Cửa khẩu phụ Cóc thuộc thôn Trầm, xã Ba Nang (huyện Đakrông) được mở theo quyết định số 1268/QĐ-UBND ngày 14/6/2007 của UBND tỉnh Quảng Trị và được chính quyền hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Salavan (Lào) chính thức khai trương vào 29/6/2007.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo biên giới Việt - Lào tỉnh Quảng Trị do ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát thực địa 

Đây là khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Đakrông; được nối với các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn khu vực biên giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Tỉnh lộ 586 qua các xã tuyến Lìa với Quốc lộ 9 dài khoảng 60km; đường liên xã qua trung tâm xã Ba Nang nối với Quốc lộ 14 dài 16 km; đường Khe Sanh-Sa Trầm kết nối thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đến cửa khẩu Cóc phía Việt Nam dài khoảng 22 km; đường 15B từ cửa khẩu phụ A Xóc (Lào) đi trung tâm huyện Sa Muội, tỉnh Salavan dài 48km, được Đức đầu tư, đã hoàn thành 42km…

Việc mở cặp cửa khẩu phụ Cóc – A Xóc đã tạo điều kiện cho hoạt động qua lại, du lịch, thăm người thân và trao đổi hàng hóa, nông sản của cư dân hai bên biên giới. Từ năm 2015 đến nay, có trên 4.000 lượt người và trên 3.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua lại cửa khẩu.

Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu về xuất nhập khẩu, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam – Lào trên trục Hành lang Kinh tế Đông Tây đang còn gia tăng, có nhiều thời điểm các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay bị ùn tắc, ảnh hưởng đến thông thương do lưu lượng hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh quá lớn. 

Trong khi đó cặp cửa khẩu phụ Cóc– A Xóc lại có điều kiện thuận lợi về khoảng cách, đường sá, hạ tầng giao thông cơ bản đồng bộ và nhu cầu của tỉnh Salavan (Lào) kết nối với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan với khoảng cách rất gần nhưng địa phương chưa có điều kiện để nâng cấp thành cửa khẩu chính cũng như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nên khu vực này chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế  trên Hành lang kinh tế Đông Tây.

Thúc đẩy thông thương biên giới

Trước những nhu cầu của thực tiễn, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao tổng hợp nội dung quy hoạch Cụm cửa khẩu phụ Cóc, định hướng nâng cấp thành cửa khẩu chính giai đoạn 2020-2030, báo cáo Chính phủ phê quyệt theo quy định của Nghị định 112/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp thường niên năm 2022 giữa đoàn đại biểu biên giới tỉnh Quảng Trị và Salavan đã thống nhất “Hai bên thống nhất giao các ngành chức năng hai bên: đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức khảo sát song phương, xây dựng đề án đề xuất lên Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào nâng cấp cặp cửa khẩu phụ Cóc-A Xóc lên thành cửa khẩu chính”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Hoạt động của cặp cửa khẩu phụ Cóc – A Xóc thời gian qua đã phát huy được hiệu quả về thương mại biên giới, giải quyết công ăn việc làm, gắn kết tình làng nghĩa xóm của cư dân hai bên biên giới, góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Vì thế, nhiệm vụ đặt ra là cần phải sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định để đề xuất nâng cấp cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính. Trong đó, lưu ý việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu phụ Cóc cần đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, khả thi, cân đối và hiệu quả; xác định được quan điểm, mục tiêu, chiến lược phát triển; đưa ra được phương án phát triển từng lĩnh vực và hệ thống các giải pháp trước mắt và lâu dài. Có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh Salavan để có quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế của hai tỉnh và đảm bảo tính đồng bộ song phương.

Ông Hà Sỹ Đồng giao các ngành chức năng khẩn trương tham mưu việc lập quy hoạch chi tiết về khu vực cửa khẩu cũng như cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định để kiến nghị Chính phủ hai nước nâng cấp thành cửa khẩu chính trong năm 2024. Đồng thời kêu gọi các nguồn lực ưu tiên đầu tư trong nước, nguồn vốn ODA để hoàn thiện hạ tầng về giao thông, cũng như hạ tầng thiết yếu tại chỗ để lực lượng chức năng phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua khu vực của khẩu này. 

Lê Diệu Thúy, Lê Tuyết Nhung, Trần Thị Thu Hằng, Ngô Thị Huyền, Trần Bích Hạnh