Theo quyết định, Tổ công tác này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Cụ thể, phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch Covid-19. Chỉ đạo Sở NN-PTNT các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19.

Cùng với đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.

{keywords}
Dịch Covid-19 bùng phát, Bộ NN-PTNT lập Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (ảnh: BH)

Sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tổ chức họp khẩn với các địa phương để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thị trường miền Nam, nhất là khi sẽ có thêm 16 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, chobiết, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có giá trị liên vùng vì không chỉ cung cấp cho thành phố mà còn cho các địa phương khác. Song, nguồn cung ứng thực phẩm cho thành phố đang thiếu hụt.

Hiện nay, ở nhiều địa phương có tình trạng nông dân không được ra khỏi nhà để sản xuất, thu hoạch nông sản, khiến nguồn cung bị thiếu hụt, giá cả bị đội lên, ông cho hay.

Đại diện nhiều tỉnh thành phía Nam như: Bình Dương, Hậu Giang, Đồng Nai đều phản ánh tình trạng, khâu vận chuyển hàng hóa đang gặp khó khăn. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng khiến việc tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch ở nhiều địa phương gặp khó, dẫn đến tình trạng ùn ứ, giá quay đầu giảm.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang chobiết, hiện một số mặt hàng nông sản đang tăng giá 30-40% do tâm lý tích trữ nhưng giá thu mua trong dân lại không tăng.

Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nhu cầu tiêu thụ gạo trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 5.040 tấn. Hiện nay lượng lúa gạo trong tỉnh đáp ứng đủ yêu cầu cho người dân. Trong tháng 8, khoảng 11.160 tấn gạo, tương đương 18.600 tấn lúa. Như vậy lượng lúa hàng hóa còn lại cần tiêu thụ 111.000 tấn, tương đương 66.600 tấn gạo.

Riêng tổng sản lượng thủy hải sản các loại đến hết tháng 7 khoảng 28.900 tấn. Trong tháng 8, thu hoạch và khai thác khoảng 51.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 3.360 tấn, dư khoảng 25.540 tấn cần xuất ngoài tỉnh, trong tháng 8 tiêu thụ khoảng 7.440 tấn, dư khoảng 43.560 tấn cần xuất ngoài tỉnh, vị đại diện này cho hay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TP HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương để cùng nhau xử lý.

"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP HCM về việc cung ứng lương thực nhưng TP HCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp; cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Hà Giang