Việc bầu Đức xin ý kiến phát hành cổ phiếu chuyển đổi và cổ phiếu phát hành thêm trị giá tổng cộng hơn 2.600 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Trong bối cảnh các doanh nghiệp khát vốn, chứng khoán ảm đạm, liệu bước đi của Hoàng Anh Gia Lai có thành công?


Chuyển đổi trái phiếu, phát hành thêm cổ phiếu


Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hôm 20/11 công bố Nghị quyết HĐQT về việc xin ý kiến cổ đông phát hành thêm cổ phiếu.

Theo đó, HAG sẽ phát hành 68 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ với giá 23.000 đồng/cổ phiếu (trước khi pha loãng). Tổng giá trị phát hành dự kiến là 1.564 tỷ đồng. Mục đích phát hành là công ty chuyển đổi trái phiếu quốc tế với tổng mệnh giá 75 triệu USD công ty đã phát hành ngày 20/5/2011.

Mức giá này cao hơn so với giá HAG hiện tại (đóng cửa ngày 20/11 ở mức 20.000 đồng/cp).

Ngoài ra, HAG cũng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1 với tổng lượng cổ phiếu là 107.474.210 đơn vị. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng. Nếu phát hành thành công, HAG thu về gần 1.075 tỷ đồng tiền mặt. Mục đích phát hành là đầu tư vào các dự án cao su, mía đường và bổ sung vốn hoạt động của tập đoàn.

HAG cũng thông qua chủ trương cho phép CTCP Cao su Hoàng Anh-Gia Lai phát hành trái phiếu kèm quyền mua cổ phiếu của CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai với giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, HAG luôn là DN có khả năng huy động vốn rất tốt. Trong cả năm qua, HAG là DN đi tiên phong trong việc giảm giá mạnh hàng loạt các dự án BĐS để đẩy mạnh bán hàng, thu tiền về, đồng thời trang trải cho hàng loạt các dự án ở trên nhiều lĩnh vực khác như cao su, thủy điện … trong và ngoài nước.



Các bước thu vén tiền đồng loạt của bầu Đức nằm trong bối cảnh HAG đang vay nợ rất nhiều để đầu tư cho rất các dự án trên nhiều lĩnh vực, cả trong và ngoài nước. Tính tới cuối quý III/2012, tổng nợ của HAG đã giảm so với quý II nhưng vẫn còn khá lớn là gần 17,7 ngàn tỷ đồng (so với vốn điều lệ 5.370 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 9.681 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn cũng vẫn đang ở mức gần 6.320 tỷ đồng (so với 6.470 tỷ đồng cuối quý II).

Có thể nói những bước đi của HAG là khá mạnh mẽ. Các quyết định giảm mạnh giá căn hộ ở phân khúc trung cao cấp của bầu Đức dường như đã có tác động tới thị trường BĐS. Nó tạo ra những làn sóng giảm giá đầu tiên trên một thị trường.

Trên thực tế, có lẽ việc thiếu vốn là yếu tố quan trọng nhất khiến bầu Đức đưa ra những quyết định như vậy. Nhưng nó cũng cho thấy sự nhanh nhẹn trong việc “xoay tiền” của doanh nhân này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay - khi mà thị trường chứng khoán (TTCK) ảm đạm, doanh nghiệp mất niềm tin ở khắp nơi, và cách ứng xử không mấy chuyên nghiệp của nhiều đại gia… có thể khiến việc huy động vốn của các DN không phải dễ dàng.

Cổ đông có sẵn sàng bỏ tiền ra?

Trước đây, khi mà thị trường BĐS vẫn còn nóng bỏng, hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nào thì việc phát triển dồn dập các dự án BĐS (với quỹ đất rẻ) tung ra thị trường, rồi sau đó, nhanh chóng chuyển sang các lĩnh vực có tiềm năng phát triển bền vững và lâu dài hơn như cao su, thủy điện, khoáng sản… khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào HAG.

Tuy nhiên, mọi sự không phải lúc nào cũng như ýt. Trước kia, khi dốc vốn đầu tư vào cao su, DN này có lẽ không lường trước được hết sự khó khăn tột độ của thị trường BĐS như hiện nay. Sự chuyển đổi từ BĐS sang các lĩnh vực cao su, thủy điện… có lẽ đã êm ả hơn nếu BĐS không lao dốc một cách nhanh và thê thảm đến như vậy.

Cho tới thời điểm hiện tại, mảng đóng góp lớn vào doanh thu hợp nhất của HAG vẫn là BĐS (9 tháng đầu năm BĐS đóng góp 77% doanh thu, so với mức 38% cùng kỳ năm trước). Theo như dự kiến, năm 2013, công ty sẽ có thêm khoản thu đáng kể từ đường vào cao su. Nhưng trên thực tế, có vẻ khoản thu từ cao su cũng không nhiều.

Theo dự báo của Chứng khoán HSC, doanh thu năm 2013 của HAGL ước đạt 6.160 tỷ đồng, trong đó, cao su đóng góp 516 tỷ đồng, chiếm 8% và mía đường đóng góp 1.029 tỷ đồng, chiếm 17%. BĐS vẫn là mảng đóng góp lớn nhất với 2.590 tỷ đồng, chiếm 42%.

Với diện tích trông cao su lớn, kỳ vọng lợi nhuận khủng không phải không có lý. Về lâu dài cao su sẽ là mảng mang về nguồn lợi nhuận chủ yếu cho tập đoàn. Theo tính toán của bầu Đức, khi 51.000 ha đất trồng cao su đồng bộ khai thác ở giai đoạn tuổi cây cho mủ tốt sẽ cho ra khoảng 125.000 tấn mủ/năm. Nếu giá trung bình khoảng 60 triệu đồng/tấn (khoảng 3.000 USD/tấn), thì doanh thu từ cao su mỗi năm của HAG cũng gần 8.000 tỉ đồng.

Rừng cao su bạt ngàn của bầu Đức đã bắt đầu khai thác (Ảnh: Infonet)

Tuy nhiên, việc giá cao su đang giảm và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2013 cùng với việc diện tích cao su được khai thác nhanh, khai thác sớm có thể là không lớn như tính toán của HAG sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của tập đoàn. Chi phí để trồng đủ số diện tích 51.000 đồng ha như kế hoạch và nuôi dưỡng cho tới khi cây có mủ là rất lớn. Nguồn tiền cho các dự án này có thể nói là khổng lồ và nó đòi hỏi bầu Đức phải huy động được vốn trước khi có thể đến thời “hái quả”.

Vì thế, việc phát hành thêm cổ phiếu là một hướng đi để giải quyết vấn đề vốn dài hạn. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng về kế hoạch này khi mà TTCK đang ở trong tình trạng rất ảm đạm, giao dịch chỉ vỏn vẹn vài trăm tỷ đồng/phiên. Việc phát hành thêm cổ phiếu không chắc đã hút vốn được từ cổ đông. Tỷ lệ phát hành là 5:1 (cổ đông có 5 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu với giá 10.000 đồng) là không lớn nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn là cổ đông sẽ bỏ tiền ra mua thêm.

Trong khi đó, phát hành trái phiếu ngoại có vẻ như khó khăn hơn vì mấy tổ chức đánh giá tín nhiệm đưa ra đánh giá xấu quá, đặc biệt là HAG đã chủ động rút khỏi cuộc chơi trên thị trường quốc tế sau khi yêu cầu cả S&P, Fitch rút toàn bộ xếp hạng Hoàng Anh Gia Lai trong 2 tháng qua.

Nhóm mua trái phiếu chuyển đổi giá 23.000 đồng (theo như Nghị quyết) có lẽ cũng không hài lòng khi mà giá trên sàn hiện chỉ còn 20.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá vào thời điểm HAG phát hành trái phiếu 75 triệu USD nói trên, xung quanh 30.000 đồng/cp.

Việc bán BĐS ở mức giá rẻ đang đem lại cho HAG nguồn vốn khá lớn. Tuy nhiên, quỹ đất và dự án của HAG cũng là có hạn. Bên cạnh đó, thị trường đang săm soi Hoàng Anh Gia Lai khá nhiều khi mà việc giảm giá BĐS đang làm ảnh hưởng tới không ít các doanh nghiệp BĐS vốn đang muốn giữ giá cao khác.

Rõ ràng, tầm nhìn và chiến lược là điều rất quan trọng. Nó giúp doanh nghiệp trở lên lớn mạnh với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, quá trinh triển khai các chiến lược đúng đắn và việc điều hành quản trị DN phát triển an toàn cũng rất cần thiết.

Mạnh Hà