- Chị nhớ mãi lời khuyên của một bác lãnh đạo cao cấp về hưu nói với chị: “Nếu con chết thì ý đồ của một ai đó đã thắng. Chẳng khác gì con tự nhận những tội mà người ta đang cố gán ghép. Vì vậy, con phải sống để chứng minh mình đúng, chứng minh 2 cha con anh hùng Năm Hoằng và Ba Sương là chính nghĩa!”.

Năm 2008, người anh hùng Trần Ngọc Sương bị dính tối “Lập quỹ trái phép”. Cuối cùng, vụ án đã bị đình chỉ. 

Tuy thoát khỏi vòng lao lý, nhưng vụ việc đã đẩy người anh hùng được quý mến này vào hoàn cảnh bi kịch, cay đắng.

Cay đắng nhất là trong những ngày đối diện trước tòa, lãnh đạo mới của nông trường Sông Hậu đã đuổi chị ra khỏi căn nhà đang thuê của nông trường mà thời hạn thuê còn hơn 1 năm.

Không nhà cửa, không tiền, phải đi tá túc nhờ nhà người khác, chị cặm cụi mưu sinh bằng những công việc bình thường.

- Thưa chị, hồi còn đương chức, quyền uy, danh tiếng lừng lẫy, chị đã từng tuyên bố một câu cũng rất lẫy lừng khi có người hỏi về tương lai của chị sau khi về hưu: “Tôi sống với nông trường cùng bà con và cùng sẽ ôm cục đất chết ở nông trường!”. Vậy mà bị rơi vào cảnh ngộ này, chị cảm nhận thế nào về cuộc đời, về con người?

Giây phút biến cố trong cuộc đời bà Trần Ngọc Sương - Ảnh: VietNamNet

Vinh quang và cay đắng liền kề với nhau. Khó biết trước lắm. Nếu biết trước thì chẳng ai phải gặp, đúng không em?

Nếu chị nói không buồn đau thì không đúng! Buồn chứ, đau chứ. Thậm chí có lúc chị định tự sát khi bị dồn vào đường cùng.

Chị nhớ mãi lời khuyên của một bác lãnh đạo cao cấp về hưu nói với chị: “Nếu con chết thì ý đồ của một ai đó đã thắng. Chẳng khác gì con tự nhận những tội mà người ta đang cố gán ghép. Vì vậy, con phải sống để chứng minh mình đúng, chứng minh 2 cha con anh hùng Năm Hoằng và Ba Sương là chính nghĩa!”.

Lúc lâm nạn, chị cảm nhận được hơn ai hết người tốt, kẻ xấu trong cuộc đời.

Chị rất biết ơn những người biết chị và không hề biết chị đã lên tiếng ủng hộ một cách chân thực…

- Ở ĐBSCL có 2 người nổi tiếng được nhắc đến nhiều nhất là chị và giáo sư Võ Tòng Xuân. Nếu như giáo sư là nhà giáo, nhà khoa học của đồng ruộng, thì chị chính là người đã “thi công” thành công một mô hình nông trường quốc doanh sản xuất nông nghiệp thành công có một không hai ở nước ta thời điểm bấy giờ.

Cả hai đều từng là Đại biểu Quốc hội, từng đạt được giải thưởng danh giá của quốc tế. Như chị là giải người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2002.

Những hành trang đó có giúp gì cho chị trong những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời và ngày hôm nay không chị?

Ngoài buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày, bà Sương còn ấp ủ dự án sản xuất trái cây xuất khẩu.

Có chứ, đó chính là những thành quả để chị luôn phải tự nhủ và tuân theo là hãy sống cho đúng với niềm tin của mọi người và sống để lương tâm không hổ thẹn.

Chị rất tự hào về những điều đó để chị vượt qua đến ngày hôm nay. Và chị sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn còn lại.

- Giả sử bây giờ cho chị làm lại, chị có thể xây dựng tiếp tục nông trường Sông Hậu thứ hai nữa không?

Không! Mỗi cá nhân, đơn vị chỉ phù hợp với một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử mà thôi!

- Nông trường bây giờ không còn được như xưa. Chị có còn quan tâm tới những điều đó không?

Vừa rồi họp chi bộ góp ý đóng góp theo tinh thần Hội nghị trung ương 4, chị cũng có ý kiến là nên kiểm tra chấn chỉnh để giữ ổn định và phát triển cho nông trường. Số phận của 3.200 hộ nông dân nằm trên đấy. 

Ở tuổi ngoài 60, bà Trần Ngọc Sương, người anh hùng một thời vẫn đang vượt khó…

- Những cán bộ, nhân viên gắn bó cùng ba con chị lập nên nông trường Sông Hậu giờ đã tan tác về đâu? Chị có nhớ về những ai và có muốn nhắn gởi gì với họ?

Lúc chị gặp nạn, lãnh đạo mới về, nhiều anh chị em cốt cán từng gắn bó sống chết với nông trường đã ra đi mỗi người một phương, có người đi làm cho nước ngoài, có người đi ra nước ngoài lập nghiệp.

Chị tin rằng, dù ở đâu thì những con người đã được tôi luyện và trưởng thành ở nông trường Sông Hậu cũng sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại và họ sẽ thành công…

- Còn trách nhiệm với bản thân? Chị có kế hoạch gì cho mình lúc này?

Sau hoạn nạn vừa rồi, chị thực sự không còn gì nữa, phải vay mượn bạn bè số tiền trang trải, chữa bệnh.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè chị rất biết ơn họ, nhưng cũng xấu hổ lắm em ạ. Vì vậy, chị phải ráng vượt qua, trả nợ và tự lo cho mình. Chị chỉ tiếc rằng sức khỏe không còn như trước thôi. Nhưng chị sẽ vượt qua.

Hiện nay, chị tổ chức cho đứa cháu buôn bán cà phê, ăn uống, trái cây để kiếm sống qua ngày.

Còn chị, tham gia vào một số dự án sản xuất chế biến trái cây xuất khẩu. Có rất nhiều việc phải làm em ạ, có điều vốn liếng khó khăn, nếu được ngân hàng trợ giúp thì chị sẽ làm được nhiều đấy!

- Hiện nay, nhiều vị giám đốc các công ty nhà nước, làm ăn thua lỗ song nhà cửa của họ rất đàng hoàng. Còn chị, mấy chục năm là phó giám đốc nông trường Sông Hậu, ngang với tổng công ty 91, 91 mà không có căn nhà để ở khi về hưu. Chị có thấy hối tiếc hay sai lầm gì không?

Chị luôn sống theo gương của ba chị, không khác được. Chị nói thật, nếu chỉ trông cậy vào đồng lương thì dù là chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc cũng khó mua được nhà lắm.

Lúc còn làm việc, chị một thân một mình nên không quan tâm lắm chuyện nhà cửa sau này. Lúc ấy chị có ý định rất “ngây thơ” rằng, ba con chị đã xây dựng nơi này từ vùng đầm lầy, chua phèn, ngập mặn hoang vu thành vùng đất trù phú, sung túc, thì sống và chết cũng nằm ở đây.

Chị cũng có một ít cổ phần của nông trường, giai đoạn sau này là Công ty nông nghiệp Sông Hậu, song vì gặp phải “nạn”, nên đã hết rồi.

Còn hối tiếc hay sai lầm, chị chẳng nghĩ về điều đó vì chị luôn tin mình sống đàng hoàng, không gì phải hối tiếc hay sai lầm gì cả.

- Vừa qua dự luận xôn xao vụ vợ chồng ca sĩ C. bị lừa đảo ở Cà Mau, trong đó báo chí đăng ông H., người lừa vợ chồng này bán cổ phần trị giá cả chục tỷ cho Trần Ngọc Sương. Nhiều người hồ nghi không biết có phải đó là chị không?

Ôi trời ơi, nếu chị có tiền mua cổ phần ở dưới đó số tiền lớn như thế thì tội tình gì chị phải sống khổ thế này!

Mà nói thật, nếu có số tiền lớn như vậy, chị sẽ đầu tư sản xuất kinh doanh những ngành hàng khác có hiệu quả hơn bội lần em ạ.

Hồi đó, lo kinh doanh cho nông trường, bạc tỷ, chục tỷ, trăm tỷ là rất bình thường. Nhưng với cá nhân chị, nhất là lúc này, số tiền đó chỉ là mơ ước thôi!

*          *          *

Tới đây, chị Ba nói rất nhiều về các ý tưởng, dự án kinh tế phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà chị đang ấp ủ.

Thật ngạc nhiên, những đắng cay đớn đau tột cùng ấy không dập tắt được khát vọng cháy bỏng nơi chị.

Dù khó khăn, chị vẫn đứng trụ vững trên đôi chân của mình để đi tới.

Tôi nhận ra rằng, ở người anh hùng Ba Sương còn nhiều điều để bàn, để nói nữa vào thời điểm thích hợp. Những vinh quang và cay đắng, bị kịch trong cuộc đời của chị cùng với số phận của nông trường Sông Hậu trong hoàn cảnh chuyển đổi của đất nước còn là bài học, kinh nghiệm quý giá...

Duy Chiến