Lời tòa soạn

Theo Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, hiện nay, tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính sau sinh đáng báo động. Tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái. 

Các nhà khoa học đã dự báo, nếu tình trạng này không được giải quyết thì nước ta sẽ “dư thừa” từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050. Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta và dẫn đến những hệ lụy lâu dài đối với xã hội. Trong tương lai, Việt Nam có nguy cơ phải “nhập khẩu cô dâu”. 

Báo VietNamNet xin đăng tuyến bài Khát vọng sinh con trai để phản ánh thực tế nhu cầu lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng hiện nay, đồng thời chỉ ra những hệ lụy nguy hiểm của vấn đề này.

Kỳ 1: Khát vọng sinh con trai bằng mọi giá

Gian nan hành trình đi “tìm con trai”

Ở tuổi 40, chị L.M.H (trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn tìm tới bác sĩ để xin tư vấn làm sao “đẻ được con trai”. Người phụ nữ này tâm sự gia đình đã có 3 con gái nhưng chồng là con độc đinh nên lúc nào cũng nhắc chuyện sinh thêm con trai. Hai năm nay, người chồng ngày nào cũng đòi đẻ thêm con trai, nếu vợ không đáp ứng được, anh sẽ bỏ.

Dù kinh tế gia đình eo hẹp vì chỉ làm công nhân, người phụ nữ này vẫn sẵn sàng vay nợ chỉ mong được can thiệp để có thêm con trai.

Cũng ở tuổi tứ tuần, chị D.L.T (trú tại TP.HCM) vẫn miệt mài trên hành trình tìm kiếm con trai. Sau hai lần sinh con gái, chị muốn có “đủ nếp, đủ tẻ” để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Nhiều năm trước, thông qua dịch vụ giới thiệu sinh con “sạch” tại Singapore, chị và chồng quyết định ra nước ngoài để sàng lọc giới tính thai nhi. Suốt thời gian thai kỳ, chị L. đi lại giữa hai nước.

Đến ngày sinh, bà mẹ này vẫn chắc chắn 100% là con trai. Tuy nhiên, đứa trẻ chào đời lại là con gái. Nằm trên bàn mổ, biết con gái người vợ vẫn không tin. Khi đón con ở phòng sơ sinh, người chồng thất vọng hỏi đi hỏi lại đây có phải con của họ hay không. Thời điểm đó, chi phí mà hai vợ chồng đã bỏ ra là gần 600 triệu đồng.

Tới năm 2019, vợ chồng chị lại thử một lần nữa tại Thái Lan. Qua dịch vụ hỗ trợ sinh con theo ý muốn vợ chồng chị đi lại giữa hai nước để kích trứng, chọc trứng và sàng lọc phôi. Kết quả, chị được 7 phôi và có 2 phôi mang giới tính nam.

Vì lý do sức khỏe và dịch Covid-19 nên đầu năm 2022, chị T. mới đi kiểm tra sức khỏe để sang Thái Lan chuyển phôi. Bất ngờ, chị nhận chẩn đoán bị tiền đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa. Ở tuổi 43, nếu chấp nhận chuyển phôi, chị còn phải đối diện với nguy cơ tai biến sản khoa.

Bất chấp nguy hiểm, người mẹ này vẫn quyết định thực hiện thủ thuật và được một thai. Tuy nhiên, khi thai nhi ở tuần thứ 27, chị bị sinh non. Em bé được cấp cứu ngay tại viện nhưng sau 2 tháng điều trị đã không thể sống sót.

Nhiều người bất chấp nguy hiểm về sức khỏe vẫn quyết định sinh thêm để có con trai. 

Chi hàng chục triệu để sàng lọc gene biết giới tính 

Gần đây, tại một ngày hội tư vấn sức khỏe hiếm muộn ở Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn, phóng viên cũng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng bày tỏ nguyện vọng sinh con trai. Ví dụ, vợ chồng anh N.V.M (sinh năm 1993, quê Hà Nam) đến xin tư vấn để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lần 1. Đồng thời, người đàn ông này cũng bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng chi thêm 11-20 triệu đồng để làm sàng lọc phôi với mục đích biết được đó là con trai hay con gái. 

Thăm khám cho hàng trăm người hiếm muộn mỗi ngày, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cũng chia sẻ hầu hết người bệnh luôn kèm theo câu hỏi “tôi có thể đẻ con trai không?”.

Vị chuyên gia này cũng cho biết ngày nay, với sự phát triển của công nghệ xét nghiệm di truyền học và hỗ trợ sinh sản, rất nhiều người muốn can thiệp vào việc lựa chọn giới tính thai nhi. Người bệnh đa phần chỉ truyền tai nhau về việc chọn con trai, con gái hoặc làm sao để mang thai một lần sinh đôi có cả con trai và con gái. Tuy nhiên, họ thường ít quan tâm tới nguy cơ sức khỏe của bà mẹ và thai nhi khi mang thai như thế nào.

Bác sĩ L.V.Đ (Hà Nội), một bác sĩ chuyên môn hiếm muộn, cũng cho biết thực tế, hiện nay, sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm, phôi thai ở ngày thứ 3 sẽ được xét nghiệm 23 nhiễm sắc thể. Sàng lọc này tìm được một số bệnh liên quan tới gene và cũng có thể biết được đó là con trai hay con gái. Do đó, nhiều cặp vợ chồng có nguyện vọng sinh con theo ý muốn đã liên hệ bác sĩ để thực hiện thủ thuật này. Vì “tế nhị”, bác sĩ chỉ tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng đã làm phôi ở ngày thứ 3. 

Nỗi lo đứa con bệnh tật

Chia sẻ với VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên Bộ môn Sản trường Đại học Y Dược, TP.HCM, cho biết bản thân ông cũng tiếp nhận rất nhiều người tìm đến bác sĩ xin được đẻ con trai.

Gần đây nhất, chị N.H.H (43 tuổi, trú tại Phú Nhuận, TP.HCM) cùng chồng đến khám bác sĩ và đề nghị hỗ trợ làm thế nào để sinh được con trai. Chị cho biết cả ba con của chị đều là con gái. Cách đây 4 năm, chị đã có thai tự nhiên nhưng làm xét nghiệm biết là con gái nên người nhà động viên “bỏ thai” chờ đẻ con trai. Suốt 2 năm nay, chị đã “thả” nhưng chưa có thai lại.

Khám cho chị H., bác sĩ Trung nhận thấy người phụ nữ này đã mổ sinh 3 lần, đều là con gái. Ông đã giải thích nguy cơ khi mang thai lần thứ tư nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ngoài ra, việc sinh con trai hay con gái dù làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng chỉ 50%. Tuy nhiên, chị vẫn muốn thử.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC

Khi làm xét nghiệm dự trữ buồng trứng của chị thấp. Bác sĩ đã kích trứng được 5 phôi. Hai vợ chồng chị chuẩn bị chuyển phôi thì bất ngờ họ lại dừng. Nguyên nhân là người em của chồng chị vừa cố sinh thêm con trai và đứa bé mang gene bệnh của bố mẹ. Khi vừa chào đời, bé đã mắc bệnh lý hiếm gặp. Dù là con trai, đứa trẻ cần sự chăm sóc về y tế rất lớn, chi phí có thể lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Khát vọng có con trai nhưng đứa trẻ sinh ra chưa ai đảm bảo khỏe mạnh, vợ chồng chị xin suy nghĩ lại.

Trước đó, cuối tháng 6, bác sĩ Trung cũng từng tư vấn cho nữ bệnh nhân H.A (34 tuổi, ngụ tại quận 2, TP.HCM) bị buồng trứng đa nang. Cưới nhau gần 2 năm nhưng chưa có con, chị và chồng luôn đến khám trong tình trạng mệt mỏi vì áp lực con cái và phải con trai. Chồng chị là “độc đinh” và mẹ chồng có tư tưởng phải có cháu trai. Bà còn tuyên bố rằng: “Làm thụ tinh trong ống nghiệm chọn con trai bà sẽ cho chi phí, con gái thì bà không chi”. 

Ông cho biết đối với trường hợp này, quá trình điều trị để có con đã là rất khó, việc đòi hỏi lựa chọn giới tính thai nhi càng làm tăng áp lực cho người vợ.

Theo bác sĩ Trung, nhu cầu sinh thêm con hay có con trai là tâm lý bình thường của rất nhiều cặp vợ chồng. Ở góc độ nào đó, con cái đủ nếp, đủ tẻ giúp người phụ nữ yên tâm hơn nên họ tìm mọi cách để có con trai. 

Tuy nhiên, ông cho rằng chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề “con nào cũng là con”. Việc sinh con đầu tiên nên lựa chọn theo tự nhiên. Với mỗi đứa trẻ được sdinh ra, ưu tiên hàng đầu là khỏe mạnh và sự nuôi dạy của cha mẹ thật tốt để con phát triển toàn diện thay vì tư tưởng cổ hủ phải là con trai.

Hệ lụy khi lựa chọn giới tính thai nhi

Theo Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, thực tế tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam cao. Hơn 40 năm trong nghề sản phụ khoa, ông tiếp xúc với rất nhiều người có nhu cầu sinh con trai. Đa phần họ đều đã có 3-4 con gái. Mong muốn đủ trai, đủ gái là tâm lý bình thường nhưng lại nảy sinh nhiều hệ lụy.

Kỳ 2: Nguy cơ đàn ông Việt phải ‘xuất cảnh’ tìm vợ vì sính con trai