Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây tỉnh Nghệ An, tiếp giáp với nước CHDCND Lào. Ở Kỳ Sơn có 5 hệ dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ lẫn nhau, gồm: Thái; Mông; Khơ Mú; Kinh và Hoa. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới (59 bản biên giới), có 179/191 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhiều cụm dân cư trên địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện (Thị trấn Mường Xén) rất xa (Keng Đu 80 km,…), địa hình phức tạp, giao thông cách trở.
Với khát vọng vươn lên của nhân dân trên nền tảng những thành tựu và kinh nghiệm đạt được trong thời kỳ đổi mới, huyện quyết tâm vượt khó, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đã đề ra, xây dựng Kỳ Sơn ngày càng phát triển, văn minh.
Với diện tích tự nhiên hơn 209.000 ha, trong đó có hơn 191.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Để khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, khí hậu nơi đây, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn xác định phải tập trung phát triển kinh tế rừng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, cùng với đó là đẩy mạnh chăn nuôi các loại con đặc sản của địa phương.
Bản Cầu Tám có 130 hộ với 570 nhân khẩu. Ngày đầu bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bản còn gặp rất nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời từ Huyện, xã, các ban, ngành, đơn vị, Ban quan lý bản Cầu Tám đã phát huy nội lực, tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh để đạt 15/15 tiêu chí của bản nông thôn mới.
Hiện tại thu nhập bình quân đầu người là: 38.000.000đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm theo các năm. Bản có 120 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, chiếm 84,6%, 100% số hộ gia đình trong bản được phổ biến và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và Hương ước của thôn bản, 130/130 hộ đã xây dựng hố rác tại các hộ gia đình, có nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt, đảm bảo 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi, trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học và lớp 6 đạt 100 %.
Xây dựng nông thôn mới với điểm nhấn cải thiện tiêu chí thu nhập, thời gian qua nhiều hộ dân ở xã Tây Sơn cuộc sống không chỉ đủ ăn mà còn có của để nhờ chí thú trồng mắc coọc (lê rừng). Bản Mông ở xã Tây Sơn nằm ở độ cao 1.400 mét so với mực nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ phù hợp với nhiều loại cây trồng ôn đới đang được thị trường ưa chuộng. Mấy năm nay năm nay lê rừng được mùa do khí hậu trên này có mưa và sương mù thường xuyên thuận lợi cho cây cối phát triển tốt, bà con thu hoạch không kịp bán.
Những thành tựu ở bản Cầu Tám và ở xã Tây Sơn là minh chứng cho thấy những tác động tích cực và hiệu quả từ việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội đối với các đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào trong việc thay đổi phương thức canh tác, phát huy lợi thế sẵn có của từng địa phương trong thành trình xây dựng bản làng nông thôn mới.
Năm 2024, huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phù hợp, kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện.
Bên cạnh tập trung phát triển mô hình kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, với những lợi thế về sản vật vùng cao, huyện Kỳ Sơn cũng chú trọng đầu tư hỗ trợ và khuyến khích đồng bào tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, huyện rẻo cao này đã có hơn 145 mô hình giảm nghèo, hướng đến làm giàu, trong đó hơn 83 mô hình kinh tế hộ; hơn 62 mô hình kinh tế gia trại; 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, như: gừng, chè Tuyết shan, nước uống Sao La, rượu sạch Mường Kỳ, lạp xưởng và bò, lợn gác Hậu Quế, dịch vụ du lịch cộng đồng Mường Lống, rượu cần O Hương, rượu nếp cẩm Kỳ Sơn…
Đây là bước tiến dài của huyện Kỳ Sơn trong triển khai xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là tiền đề, động lực to lớn để huyện tiếp tục phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới.