Theo ghi nhận, trên sàn thương mại Shopee, một sản phẩm có tên "Khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng" đang được đăng bán với giá 2,7 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, giá bán của sản phẩm này chỉ ở mức từ 250.000-300.000 đồng/hộp, rẻ hơn khoảng 10 lần so với giá bán của sản phẩm trên Shopee.

Dựa trên thông tin được mô tả, người rao bán sản phẩm này trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Bình luận về sự việc, đại diện phía Shopee khẳng định: "Trước thực trạng này, Shopee không đồng ý việc người bán hàng tự ý tăng giá bán bất hợp lý các sản phẩm liên quan đến dịch cúm nói chung và sản phẩm y tế nói riêng."

{keywords}
Sản phẩm khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng được bán với giá 2,7 triệu đồng trên Shopee. Ảnh: Lê Trọng.

"Hiện chúng tôi đang kiểm soát chặt chẽ vấn đề này và thường xuyên làm việc với những người bán hàng để đảm báo mức giá bán thích hợp nhất", đại diện Shopee nói thêm.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, sản phẩm "Khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng" có giá 2,7 triệu đồng này đã bị hệ thống ẩn trên trang tìm kiếm.

Trong khi số lượng ca nhiễm virus corona đang ngày một gia tăng trên thế giới và tại Việt Nam, người dân bắt đầu đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay khiến lượng sản phẩm trên thị trường ngày một trở nên khan hiếm. Tình trạng cháy hàng diễn ra ở nhiều hệ thống nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Trước diễn biến đó, không ít tiểu thương đã tranh thủ đẩy giá bán khẩu trang lên cao gấp 4-5 lần so với giá bình thường.

Tuy nhiên chỉ trong ngày 1/2 vừa qua, nhiều cửa hàng có dấu hiệu nâng giá bán khẩu trang lên 6-7 lần so với giá thực tế đã bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt hành chính lên đến 20-30 triệu đồng, buộc hoàn tiền thu lời bất chính cho khách hàng.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có yêu cầu tăng cường quản lý nhằm phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý.

Đồng thời, Tổng cục yêu cầu phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.

(Theo Zing)