Hội nghị cấp cao ASEAN đã khai mạc sáng 7/5 tại Thủ đô Jakarta, Indonesia với chủ đề "Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu".

Indonesia sẵn sàng cho hội nghị cấp cao ASEAN
ASEAN họp nội bộ về xung đột Campuchia - Thái Lan
Phát biểu trong lễ khai mạc, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố: "ASEAN không thể yên lặng và không làm gì cả” khi đối mặt với những thách thức an ninh năng lượng và lương thực, quản lý thảm họa, nạn buôn người và những vấn đề khác".

Ảnh: embassyofindonesia
"Chúng ta phải tăng cường hợp tác đa chiều cả trong nội bộ các thành viên ASEAN và hợp tác của chúng ta với các đối tác đối thoại cũng như các quốc gia ở những khu vực khác”, ông nói.

Với tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN, Tổng thống Indonesia khẳng định, cần thực hiện thêm nhiều nỗ lực để đảm bảo tiến trình cụ thể trong việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN và thảo luận thành công trên nhu cầu cấp thiết về một tầm nhìn “hậu ASEAN 2015”, hoặc vai trò của Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu.

Ông còn kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên tăng cường nỗ lực để đảm bảo kế hoạch Kết nối ASEAN có thể được thực hiện càng sớm càng tốt. Cũng trong bài phát biểu, lãnh đạo Indonesia đã kêu gọi lãnh đạo 10 quốc gia thành viên thành lập một khuôn khổ an ninh lương thực để đáp ứng nhu cầu của khu vực trong những năm tới.

Ông Yudhoyono cũng thúc giục các lãnh đạo ASEAN tiếp tục tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, và tái tạo để đối phó với những thách thức trong an ninh năng lượng, ông khẳng định cần sự hợp tác mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong vấn đề thủy điện và năng lượng địa nhiệt.

“Chúng ta không thể đối mặt với những thách thức này chỉ ở cấp độ quốc gia, mà thay vào đó là các giải pháp toàn diện hợp tác lớn hơn giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á”, ông nói.

Theo lịch trình, 9 cuộc gặp song phương diễn ra trong ngày 7/5. Chương trình Đối thoại các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Đại hội đồng Liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA), gặp đại diện thanh niên và đại diện các tổ chức quần chúng cũng được tổ chức, trong một nỗ lực để "Tiến tới một ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, vì một cộng đồng công bằng toàn cầu".

Trong hai ngày họp, các lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về hội nhập ASEAN, phục hồi kinh tế, vai trò của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, cùng nhiều chủ đề khác.

Tin mới nhất từ Jakartapost cho hay, ba tuyên bố đã được thông qua trong ngày đầu tiên của Hội nghị cấp cao ASEAN gồm: Tuyên bố ý tưởng để tiến tới ra Tuyên bố chung về Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-19; Tuyên bố tăng cường hợp tác chống buôn người ở Đông Nam Á; Tuyên bố thành lập học viện ASEAN về hòa bình.

“Đó là những tuyên bố tiến bộ", Tổng vụ trưởng phụ trách ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia Djauhari Oratmangun nói.

Với tinh thần “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị lần này đặt mục tiêu chung là tiếp tục phát huy thành quả Năm Chủ tịch ASEAN 2010, góp phần tích cực thúc đẩy đoàn kết và liên kết ASEAN, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, qua đó phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam.

Ngay sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN họp phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về nhiều chủ đề quan trọng của phiên họp.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã tham dự cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện AIPA, đại diện thanh niên và đại diện các tổ chức quần chúng. Thủ tướng còn có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Thái Lan để thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Các quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Lào, Việt Nam, Brunei và Myanmar.

  • Thái An tổng hợp