- Chỉ cần dăm câu hỏi dạng này được nêu lên, chẳng mấy chốc mà bộ trưởng "trả bài" xong suôn sẻ. Vậy là hết giờ, nhường ghế nóng lại cho người khác.
Chất lượng của một phiên chất vấn tại Quốc hội phụ thuộc vào sự tương tác giữa người nêu câu hỏi và người trả lời.
Chất lượng các phiên chất vấn phụ thuộc một phần vào chất lượng câu hỏi của ĐBQH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Có những phiên chất vấn trôi qua bằng phẳng, nhạt nhẽo bởi bộ trưởng trả lời kín kẽ, chung chung, trong khi đại biểu không ai đủ kiên nhẫn đứng lên hỏi vặn cho ra vấn đề. Nhất là những ngành đặc thù như tiền tệ, tài chính. Ngược lại, có những phiên chất vấn căng như dây đàn, với những câu hỏi - đáp trực diện giữa nghị trường, mà đôi khi còn khiến vị tư lệnh ngành lúng túng phải nhờ các bộ trưởng khác "chia lửa".
Vẫn biết câu hỏi của ĐBQH đưa ra khó/ dễ khác nhau tùy thuộc chất lượng đại biểu. Nhưng, dõi theo hầu hết các phiên chất vấn mới thấy có một số ĐBQH nêu ra những câu hỏi rất nhạt nhòa rất chung chung, đại loại là một bất cập nào đó của ngành, lĩnh vực và đề nghị cho biết giải pháp khắc phục, đặc biệt "giải pháp đột phá".
Song, còn bất ngờ hơn cách tương tác trở lại của vị bộ trưởng với những câu hỏi dạng như vậy. Đó là, bộ trưởng sẽ dành kha khá thời gian để trình bày say sưa, trôi chảy và chi tiết, tỉ mỉ chương trình, kế hoạch hành động...
Hẳn nhiên, các thông tin đó không còn mới, bởi nó chính là những bản báo cáo kế hoạch công tác của ngành, mà có khi cũng vừa được gửi tới ĐBQH. Vị chủ tọa điều hành chỉ có thể "chặn đứng" mạch say sưa đó bằng cách liên tục ngắt lời, nhắc nhở "nói ngắn, nói gọn, dành thời gian cho đại biểu khác". Còn cử tọa ở dưới chỉ biết lắc đầu ngao ngán...
Vậy phải chăng, có một vài ĐBQH "cần" và "đói" thông tin đến mức phải đợi phiên chất vấn để nhờ bộ trưởng trình bày các chỉ tiêu kế hoạch ngành? Rồi tình cờ chăng khi đặt câu hỏi dạng này đôi khi lại chính là người đang công tác trong cùng lĩnh vực với bộ trưởng, dĩ nhiên là ở địa phương? Và những câu hỏi chỉ là một sự 'tình cờ ngẫu nhiên"?
Hãy quay trở lại với chiếc ghế nóng mà bộ trưởng đang ngồi.
Khi ra điều trần ở ủy ban, mỗi vị tư lệnh ngành luôn luôn có đại diện các phòng ban chuyên môn cùng đứng lên hỗ trợ giải trình. Nhưng khi lên ghế nóng ở nghị trường, chỉ đơn thương độc mã với cây bút và tập tài liệu trong tay, các bộ trưởng phải căng mắt, căng tai để nghe cho thấu từng câu chất vấn. Lựa câu nào để trả lời riêng, câu nào trả lời theo nhóm vấn đề, đặc biệt là phải trả lời ra sao để đại biểu… không hỏi lại.
Thời gian dành cho mỗi đại biểu đặt câu hỏi chất vấn được "khống chế" bằng nhau, nhưng thời gian để mỗi vị bộ trưởng giải đáp một vấn đề nào đó lại rất khác nhau. Nhất là khi "vớ" được những câu hỏi chung chung về chiến lược, kế hoạch... của ngành thì ôi thôi, dễ phải mất tới mười lăm phút để bộ trưởng trả lời xong được một câu.
Tính nhẩm cũng thấy ngay rằng, chỉ cần dăm câu hỏi dạng này được nêu lên, chẳng mấy chốc mà bộ trưởng "trả bài" xong. Hết giờ, nhường ghế nóng cho tư lệnh ngành khác. Lại suôn sẻ, lại trôi chảy.
Dù khi "chấm điểm" ắt không được tín nhiệm cao nhất, nhưng vì chẳng có sơ sểnh, hớ hênh hay say sưa quá đà mà bị va vấp "lỡ miệng" nên cũng chẳng để lại ấn tượng xấu nào. Mà có vẻ như trong mỗi phiên chất vấn, thường xuất hiện ít nhất một vài câu hỏi dạng "mồi" câu trả lời như vậy. Như chính các ĐBQH vẫn nói vui là "để câu giờ".
Người "mồi" câu hỏi giúp Bộ trưởng vẫn thường chính là những vị công tác trong đúng ngành, lĩnh vực đó hoặc trong những lĩnh vực liên quan. Không khó để nhận ra những câu hỏi dạng như vậy ở mỗi phiên chất vấn...
Cũng cần nói thêm là trong một số trường hợp, việc "mồi" câu hỏi lại phát huy hiệu quả. Đó là khi dư luận nhân dân đang bức xúc về một vấn đề nóng nào đó, ngay lập tức, đã có một số ĐBQH chủ động nêu vấn đề ngay phiên chất vấn, tạo cơ hội và diễn đàn cho các vị tư lệnh ngành chủ động cung cấp thông tin tới cử tri một cách công khai, minh bạch. Rõ ràng, trong khi một số ĐBQH mất điểm vì "hỏi mồi" thì ngược lại, một số ĐBQH khác cũng "ghi điểm" với cử tri chính từ những câu "mồi" đúng lúc, đúng chỗ.
Như một số ĐBQH từng chia sẻ, thì làm nghị sĩ ở đâu cũng vẫn là... con người cả thôi, với những yêu ghét, tình cảm chủ quan. Vì vậy, khi chất vấn ở nghị trường, mỗi người đưa ra vấn đề nào đó cũng là một sự chọn lựa chủ quan, điều quan trọng là tiếng nói đó vì lợi ích của ai? Vì cái chung hay cái riêng, vì thiểu số hay đa số. Không ít người từng khẳng định sẽ không để những lợi ích cá nhân chi phối đến từng ý kiến trên nghị trường. Kiểm chứng những lời hứa như vậy không dễ. Cử tri chỉ mong rằng mỗi người mang trọng trách đại diện cho nguyện vọng, tâm tư của người dân, hãy luôn luôn cố là tiếng nói độc lập.