Cùng nhau gìn giữ tổ ấm hay "mạnh ai nấy sống" để thỏa thú vui bản thân, đó cũng là câu hỏi đặt ra cho nhiều "tổ ấm già".


"Hồn" ai nấy giữ

Cụ ông xấp xỉ tuổi 70, cụ bà cũng 65, họ đã ngủ riêng đến chục năm nay. Con cái ở riêng, hai ông bà cụ hai phòng to đùng, mỗi người một thế giới riêng. Sáng, cụ ông dậy lúc 5h30, lục tục ra công viên tập dưỡng sinh với mấy ông bà bạn già.

6h30 cụ bà dậy, quét tước sân nhà, làm bữa sáng, ăn sáng, dành phần cho ông cụ rồi le te xách giỏ đi chợ. Cụ bà ghé nhà mấy bà bạn trò chuyện trước khi về nhà nấu bữa trưa. Cơm trưa xong, mạnh ai nấy ngủ. Tối đến, cụ ông sang bàn thời sự, đánh cờ với mấy cụ già hàng xóm, cụ bà ngồi nhà bật cải lương vừa nghe vừa ngủ gà ngủ gật...

Ảnh minh họa.

Có ai hỏi, sao hai cụ không ngủ chung, lỡ trái gió trở trời, cụ bà gắt: "Già rồi, hồn ai nấy giữ, giờ giấc trái nhau, ngủ chung khó chịu lắm. Điện thoại sẵn đầu giường, có chuyện gì thì gọi thôi".

Kiểu sinh hoạt ấy thực ra khá quen thuộc với các cụ ông cụ bà thành thị. Vật chất đủ đầy, tự chủ về tiền bạc, thói quen sinh hoạt chênh nhau, tính nết "trái" lúc về già... đã khiến các cụ bỏ dần thói quen ở cạnh, chăm chút cho nhau, mỗi người theo đuổi những thú vui của riêng mình.

Ở công viên Lê Văn Tám, quận 3, TP.HCM, sáng sáng có rất nhiều cụ tập dưỡng sinh, chạy bộ, đánh cầu lông. Hầu hết họ đi một mình, khi được hỏi về cụ bà, ông Hòa, 73 tuổi (nhà ở Huỳnh Tịnh Của, Quận 3), chỉ tay: "Bả bên kia kìa, tập dưỡng sinh với mấy bà bạn. Sáng ra mạnh ai nấy đi thôi".

Còn vợ chồng cụ Trần Văn Thời, Đường D5, Quận Bình Thạnh, cựu giáo viên lại làm con cái đau đầu vì hơn năm nay hai cụ cực kì kiệm lời với nhau, thậm chí có lúc chiến tranh lạnh. Bởi đơn giản, nhìn mặt ông (bả) không ưa rồi. “Qua 70 tuổi, ông đâm ra khó tính, bà lại chúa chấp vặt. Toàn cãi cọ những chuyện không đâu vào đâu. Ngày trước họ sống đầm ấm hơn bây giờ nhiều”, một chị bán thuốc lá lẻ đầu ngõ nhận xét. Nghe đâu, hai cụ cứ thay phiên nhau đi thăm con cái để khỏi phải đụng mặt nhau mỗi ngày.

Đi tìm tự do lúc... cuối đời?

Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết cụ Nguyễn Thanh Chí (quận 3, TP.HCM) còn tham gia nhóm phượt ở tuổi ngoài 60. Nhóm phượt của cụ trước kia lớn tuổi nhất cũng chưa đến 40. U70 là cụ Trí lại là một trong những thành viên hăng hái nhất của nhóm. Hưu trí, tiền bạc không thiếu, cụ sẵn lòng tham gia các chuyến lên rừng xuống biển, phượt xuyên Việt.

Nhiều người nói cụ chịu chơi thế, cụ trả lời: "Nhà có hai vợ chồng già buồn vo ve, để cho cái bà lão ấy sang nhà con cái mà ở, tui đi cho thoả đam mê du lịch lúc trẻ bận rộn chưa thực hiện được". Tiền bạc không thiếu nhưng cụ kiên quyết không du lịch theo tour có bảo hiểm đầy đủ và được an toàn hơn nhiều. Đặt biệt, có thể cùng đi tour với vợ. Ông cụ lắc đầu buông một câu như đóng sầm cửa lại: “Không thích, mà đi với cái bà già ấy chán chết!".

Thật khó tưởng tượng khi các cụ ông, cụ bà này đã từng yêu nhau say đắm. Cũng không ít cặp trong số đó từng “lên rừng xuống biển” vì yêu. Đặc biệt, họ gắn bó với nhau gần hết chặng đường cay đắng mặn bùi đều có nhau, cùng nuôi dạy con cái, cùng vượt qua bao nhiêu vất vả, sướng khổ có nhau...

Dường như, ở tuổi xế bóng, một vài trong số đó có cảm giác tiếc đời, tiếc nhưng ước mơ thời trẻ chưa thực hiện được và quyết "sống cho đáng".

Cụ bà Phùng Thị Lê ở khu phố 5, quận Phú Nhuận là thành viên tích cực của một nhóm các cụ bà sùng đạo. Thường xuyên đi chùa, tham gia các cuộc hành hương từ Nam chí Bắc, trong lúc cụ vui vẻ với cái thú tuổi già thì cụ ông đóng cửa ở nhà hết đứa con này đến đứa con khác. Con cái có nói thì cụ bảo: "Cả đời tao phục dịch ông ấy rồi, nay phải được làm điều mình thích chứ". Con cái ai cũng chịu cụ bà nói không sai, cả cuộc đời cụ đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp của chồng, nuôi dạy con...

Câu chuyện các cụ ông cụ bà, đặc biệt ở thành thị, kinh tế ổn, thích sống độc lập, không phụ thuộc con cái và không thích gắn bó người đầu gối tay ấp nữa, dường như đang là xu hướng thời đại. Nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này, từ việc trái tính lúc về già, khủng hoảng tâm lý, không thích bị làm phiền...

Nhưng trên hết, đó là những biểu hiện của sự thiếu quan tâm, săn sóc lẫn nhau một thời gian dài, chiều theo những thói quen riêng của mình mà hầu như quên mất sự cần thiết của người bạn đời bên cạnh. Không ít cụ già, sau một thời gian "rong chơi", theo đuổi sở thích tuổi già của mình, đến khi người bạn đời ra đi mãi mãi mới hối tiếc vì đã quá vô tâm và thiếu sẻ chia, mới thấm thía rằng "con chăm cha không bằng bà chăm ông".

(Theo PLVN)