Bức tranh 1: Có 3 hay 4 khúc gỗ?

tranh1.jpg

Câu trả lời là 3 hoặc 4 khúc gỗ tùy thuộc vị trí đứng của bạn.

Dân gian có câu chuyện như thế này: Một nhà sư già hỏi chú tiểu: “Tiến thì chết mà lùi cũng không xong, vậy phải làm sao?". Chú tiểu đáp: "Con bước sang bên cạnh".

Câu trả lời của chú tiểu cho thấy, không phải mọi vấn đề đều chỉ có thể giải quyết bằng cách tiến lên hoặc giật lùi. 

Khi gặp khó khăn, bạn cần thay đổi cách nghĩ. Hãy dừng lại một chút để suy ngẫm, thay đổi tư duy, rất có thể kết quả sẽ khác đi rất nhiều.

Bức tranh 2: Chiếc bình hay đầu của 2 cô gái?

tranh2.jpg

Khi nhìn vào khoảng trắng trên bức ảnh, bạn sẽ thấy một cái bình, nhưng khi nhìn vào phần màu đen, bạn sẽ thấy đầu hai cô gái. Điều đó cho thấy, cùng một bức tranh hay sự việc, luôn có những mặt trái, phải khác nhau.

Sự hiểu biết, nhìn nhận khác nhau sẽ dẫn tới cách đánh giá khác nhau. Hãy thử đứng từ góc độ của người khác để đánh giá cùng một sự việc, cố gắng tìm ra mặt tích cực của vấn đề để có cách xử lý phù hợp, như câu chuyện sau:

Một người đàn ông mời người bạn bị mù đến ăn tối. Sau khi ăn xong, trời đã khuya, người mù chào từ biệt. Chủ nhà đưa cho người mù một cái đèn lồng. Người mù tức giận nói: “Tôi không thấy gì, sao ông đưa đèn cho tôi? Ông muốn trêu chọc tôi à?”.

Chủ nhà nói: “Vì tôi quan tâm tới ông. Ông không nhìn thấy, nhưng có ánh đèn, người khác sẽ thấy ông và không va vào ông”.

Nghe bạn mình nói vậy, người mù vô cùng xấu hổ.

Bức tranh 3: Bà cụ hay cô gái?

tranh3.jpg

Nhìn bức ảnh trên, chúng ta sẽ thấy một bà cụ. Nhưng khi xoay ngược ảnh, đó lại là gương mặt của một cô gái. Điều này ngụ ý, việc nhìn nhận vấn đề từ một hướng khác sẽ có kết quả trái ngược. 

Khi gặp chuyện phiền não, chỉ cần chúng ta thay đổi hướng nhìn nhận, kết quả có thể sẽ hoàn toàn ngược lại. Đứng trước một vấn đề nhỏ, chỉ cần không so đo tính toán quá nhiều, bạn sẽ không còn thấy phiền muộn, mệt mỏi.

Khi bạn luôn giữ cho mình thái độ sống lạc quan trước mọi vấn đề của cuộc sống, bạn sẽ ngày càng thấy hạnh phúc và trẻ trung hơn.