Áp lực chiến thắng bằng mọi giá chỉ có ở những kẻ không thật sự mạnh và không biết mình.
Một lần nữa cảm giác bóng đá nam của chúng ta rất gần tấm huy chương vàng SEA Games lại bị dội gáo nước lạnh. Giấc mơ vàng bị rớt xuống thảm hại khi đội bóng bị loại ngay từ vòng bảng. Điều gì đã xảy ra và sự thất vọng lần này có khác gì những lần trước?
Phải thừa nhận rằng lần tham gia SEA Games này, đội tuyển bóng đá nam hội gần như đầy đủ những tố chất cần phải có ở một giải đấu quan trọng. Những tuyển thủ U22 trẻ có thời gian gắn kết bên nhau, được đào tạo bài bản và được dành cho những thuận lợi gần như tuyệt đối. Lứa cầu thủ tài năng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Hậu, Tuấn Tài…không chỉ là niềm hy vọng mà thực lực của họ thật sự có thể làm nên dấu tích thắng lợi ở đấu trường khu vực. Với huấn luyện viên trưởng Hữu Thắng, trưởng thành từ một tuyển thủ quốc gia có bề dày trận mạc. Cách huấn luyện của Hữu Thắng cũng phù hợp thực tế của đội tuyển trong điều kiện chắt chiu tiết kiệm kinh phí so với thuê thày ngoại. Đặc biệt là sự ủng hộ của người hâm mộ. Hàng ngàn cổ động viên nhiệt thành đã sang Malaysia cổ vũ đội tuyển. Truyền thông dành những lời khích lệ không giới hạn cho các cầu thủ.Phía Liên Đoàn bóng đá và đoàn thể thao Việt Nam cũng dành cho đội tuyển những điều kiện không thể tốt hơn.Nhưng kết cục là một trái đắng làm thất vọng tất cả.Vì sao lại như vậy?
Công Phượng tỏ ra tiếc nuối và thất vọng sau quả penalty hỏng ăn. Ảnh: SN |
Lịch thi đấu của đội tuyển U22 Việt Nam được coi là khá thuận lợi. Nằm ở bảng đấu có 6 đội tuyển, chúng ta nhận được một lịch thi đấu không thể dễ dàng hơn khi lần lượt gặp những đội yếu ở các vòng đầu. Không khó khăn khi những chiến thắng dồn dập đến.9 điểm, 12 bàn thắng ở 3 vòng đầu và chỉ chịu lọt lưới 1 bàn. Vấn đề xảy đến khi ở hai vòng cuối đội tuyển phải gặp 2 đội Thái Lan và Indonesia là 2 đội trực tiếp tranh ngôi nhất nhì bảng. Hòa Indonesia trong thế trận áp đảo, một chiều với vô vàn cơ hội ăn bàn bị bỏ lỡ đã khiến những cầu thủ trẻ của chúng ta dao động. Thế nên khi chỉ cần một bàn thắng vào lưới Indonesia đủ đưa chúng ta vào bán kết và tràn cơ hội giành ngôi nhất bảng khi đối đầu trận cuối cùng với Thái Lan, đội thua kém Việt Nam ở các chỉ số phụ không thành thì dư luận quay ngoắt lại chỉ trích cầu thủ và đội tuyển.
Tôi xem trực tiếp qua truyền hình, chứng kiến các bình luận viên và khách mời mổ xẻ trận hòa thất bại này bằng một sự rất thiếu bình tĩnh và không khách quan.Họ ca cẩm từ cầu thủ Tuấn Tài là người đã bỏ lỡ những cơ hội mười mươi đến cách dụng binh thay người của HLV Hữu Thắng. Kế đó là chỉ trích trọng tài. Hãy nhìn sự căng thẳng của cầu thủ cũng như ban huấn luyện khi kết thúc trận hòa với Indonesia. Như là một thảm họa khủng khiếp dù quyền định đoạt vẫn nằm trong tay đội tuyển khi đối đầu với Thái Lan ở trận sinh tử cuối cùng. Và trận cuối cùng đó kết thúc thảm bại với sự không bất ngờ nằm trong định đoán của rất nhiều người. Kẻ leo cao không biết lượng sức đã ngã đau.
U22 Việt Nam đã có một thất bại cay đắng.Ảnh: Song Ngư |
Tâm lý kẻ mạnh và áp lực chiến thắng đã làm hại các cầu thủ trẻ dù áp lực là điều đương nhiên trong thể thao. Không khó nhận thấy sự thiếu thoải mái, căng cứng của những đôi chân cầu thủ trong trận gặp Thái Lan. Cảm giác họ đá trong khi vẫn lởn vởn sự u ám của bóng ma trận hòa trước đó. Áp lực quá lớn đã ngự trị lên tâm lý sợ thua bị loại đã khiến các cầu thủ đá dưới sức mình trong sự bất lực của ban huấn luyện và người hâm mộ. Chúng ta một lần nữa thua người Thái ở chính áp lực đó. Từ sự hiếu thắng, ảo tưởng sức mạnh chuyển sang tâm lý sợ thua chính là lý do thất bại của đội tuyển U22 trong lần SEA Games này. Và nó cũng chẳng khác gì những lần thua trong các kỳ SEA Games khác. Thua vì bệnh thành tích và ham hố chiến thắng. Có lẽ chẳng có đội tuyển nào như chúng ta luôn phô hết bài để ăn tươi nuốt sống đối thủ yếu và run rảy bạc nhược trước đội thủ mạnh, ngang tầm.
U22 Việt Nam bị loại đau đớn nhưng theo HLV Lê Thụy Hải, Hữu Thắng không nên từ chức mà cứ tiếp tục dẫn dắt đội tuyển. Ảnh: Song Ngư |
Bóng đá nam cũng chỉ là một tấm huy chương như những bộ môn khác của SEA Games nhưng cái cách dư luận và ngay chính những lãnh đạo ngành thể thao khoác sứ mạng lên đội tuyển đã là một sự vô lý làm suy yếu đội tuyển. Mấy chục cầu thủ không thể là đại diện của 90 triệu dân Việt trước sự thắng thua trong thi đấu thể thao. Niềm tự hào nếu có khi chiến thắng cũng chỉ nằm trong phạm vi đội tuyển của một môn thi đấu.
Kỳ vọng lắm thì thất vọng càng nhiều khi thất bại. Khi giấc mơ tấm huy chương vàng bóng đá nam SEA Games rớt xuống đã đành buồn nhưng có đến mức phải ăn thua như thế không. Một nền bóng đá thế nào thì đội tuyển của nó ở tầng mức ấy.Hãy chấm dứt sự hiếu thắng vô lối. Và hãy để các cầu thủ đá bóng bằng chính đôi chân của họ cho dù các cầu thủ là những người có lỗi trực tiếp trong thất bại lần này.
Áp lực chiến thắng bằng mọi giá chỉ có ở những kẻ không thật sự mạnh và không biết mình.
Phạm Ngọc Tiến