- Biến đổi khí hậu và ô nhiễm đang tác động xấu tới nhiều vùng miền, đặc biệt là những thành phố đông dân ở châu Á, châu Phi.
Mịt mù thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc
Khói mù dày đặc bao trùm suốt ngày đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với thành phố Bắc Kinh. Trong những ngày này hình ảnh ấy cũng xuất hiện.
Trung tâm Giám sát Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh cho biết, hôm 24/9, thủ đô của Trung Quốc bắt đầu chìm trong khói mù dày đặc, dù trong hai đêm trước có mưa rào.
Cổng Thiên An Môn trong khói bụi và sương mờ. (Ảnh: hieuminh.org) |
Trung tâm trên còn đưa ra các chỉ số chất lượng không khí (AQI) vào lúc 18 giờ cùng ngày ở mức 229, tức là mức ô nhiễm nghiêm trọng.
Trung tâm trên cũng cho biết chỉ số PM 2.5 (là mật độ bụi dạng hạt có đường kính dưới 2,5mm) cũng ở mức cao. Mật độ PM 2.5 trung bình trong 8 tháng đầu năm nay là 63 mcg/cm3, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị này vẫn nằm ngoài mong muốn và Trung Quốc đang muốn khắc phục. Dĩ nhiên, trước đây có năm còn tồi tệ hơn. Chẳng hạn, năm 2015, con số này là 80,6 mcg và trước đó vào năm 2012 còn tồi tệ hơn, với mức 95,7 mcg/cm3.
Nước này đang hướng tới duy trì mật độ PM 2.5 ở mức dưới 60 mcg/cm3 vào năm 2017 cho thủ đô Bắc Kinh.
Siêu bão quần phá Đài Loan
Các nhà khí tượng cho biết cơn bão tăng cường độ khi tiến gần đến Đài Loan, mang theo những cơn gió với sức gió tối đa 216 km/giờ. Dây cáp điện bị rơi và cây đổ là những thiệt hại ban đầu, nhưng đã làm gần 200.000 hộ gia đình không có điện.
Cục Thời tiết Đài Loan cảnh báo bão số 5 sẽ đe dọa nhiều thành phố phía nam và phía đông, bao gồm Cao Hùng và Hoa Liên, với sức gió mạnh kèm theo những cơn mưa xối xả và lũ lụt.
Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Đài Loan cho biết: Các công ty và trường học tại Cao Hùng và các thành phố khác đã phải đóng cửa và gần 1.500 người dân đã được sơ tán. Nhiều chuyến bay bị hủy; bao gồm tất cả những chuyến từ sân bay Cao Hùng.
Bản đồ cơn bão Megi hướng vào Biển Đông. (Ảnh: Báo TN.MT) |
Trước đó không lâu, Đài Loan cũng đã bị một cơn bão lớn khác - bão Nepartak - gây thiệt hại nặng nề trên khắp khu vực phía trung và phía nam, làm nhiều nơi mất điện, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Bão và động đất tấn công Nhật Bản
Ngày 20/9, cơn bão mạnh Malakas đã đổ bộ vào phía tây nam Nhật Bản, gây ra mưa lớn và lũ lụt, buộc các chuyến bay bị hủy và chính quyền địa phương phải ban hành khuyến cáo sơ tán cho hơn 600.000 cư dân.
Trong ngày đầu tiên đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã dự kiến cơn bão sẽ tiến về phía đông bắc dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản đến Tokyo, trước khi ập vào Thái Bình Dương vào sáng sớm 21/9.
B |
Bão Malakas tấn công bờ biển Katsurahama gây ra sóng cao ngày 20/9. (Ảnh: Kyodo) |
Cơ quan này cho biết thêm, dù đang trong giai đoạn phục hồi sau trận động đất mạnh tấn công vùng này hồi đầu năm nay, nhưng ở 6 tỉnh phía tây Nhật Bản, trong đó có Kumamoto, khoảng 632.500 người được khuyến cáo sơ tán. Theo NHK, hơn 100 chuyến bay nội địa đã bị hủy bỏ.
Sau bão Malakas, miền nam Nhật Bản lại hứng động đất 6,1 độ Richter.
Động đất 6,1 độ Richter tại phía nam Nhật Bản. (Ảnh: UPI) |
Cơ quan Khí tượng Nhật bản cho biết, một trận động đất đã xảy ra vào sớm 21/9, làm rung chuyển hòn đảo Izu ở đông nam quần đảo Honshu. Tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu khoảng gần 10km và cách 617km về phía nam-đông nam Tokyo.
Lũ lụt gây chết người ở Triều Tiên
Ngày 12/9, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) dựa trên dữ liệu của Triều Tiên cho biết, lũ lụt do mưa lớn ở đông bắc nước này đã làm 133 người chết, 395 người mất tích, phá hủy nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bản đồ Triều Tiên |
Tin tức về thảm họa này xuất hiện trong bối cảnh Triều Tiên bị cô lập bởi các nước láng giềng sau vụ thử hạt nhân thứ 5. OCHA cho biết thêm, hơn 35.500 ngôi nhà bị hư hỏng, hai phần ba trong số đó bị phá hủy hoàn toàn và 107.000 người phải di dời.
Theo phương tiện truyền thông nhà nước, mưa lớn vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đã gây ra thiệt hại lớn gần sông Tumen. Tuy nhiên, cơ quan này trong báo cáo mới nhất không cung cấp số người chết do lũ lụt.
Triều cường tấn công Malaysia
Giáo sư Azizan Abu Samah thuộc Viện Khoa học Đại dương và Trái Đất Malaysia cho biết, triều cường mùa Xuân là hiện tượng thủy triều dâng cao xảy ra khi Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất song hành với nhau. Bấy giờ, lực hấp dẫn giữa Mặt Trăng và Mặt Trời tác động làm cho thủy triều cao hơn mức bình thường.
Ở Malaysia, hiện tượng ấy thường xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Vào thời điểm đó, tại bờ biển phía Tây Malaysia thường có gió Tây Nam thổi mạnh. Hai yếu tố trên kết hợp lại khiến cho thủy triều tăng cao, gây ra lũ lụt lớn ở những khu vực gần biển hoặc dọc các con sông.
Ảnh minh họa triều cường mùa Xuân ở Malaysia. (Ảnh: Xaluan) |
Cũng theo Giáo sư Azizan Abu Samah, đây là hiện tượng bình thường và với khả năng của khoa học kỹ thuật hiện tại, con người có thể vượt qua hiện tượng này. Các kỹ thuật cho phép con người giám sát, dự báo được chiều cao của con sóng trước một vài ngày, từ đó có biện pháp đối phó.
Ô nhiễm sông đe dọa nhiều nước đang phát triển
Nước thải, thuốc trừ sâu và ô nhiễm đang đe dọa tính mạng hàng trăm triệu người dân khắp các khu vực châu Phi, châu Á và cả Mỹ Latinh.
Tuần trước, sông Daldykan của Nga đã chuyển sang màu đỏ do bị rò rỉ từ một nhà máy kim loại. Liên Hợp Quốc đã ban hành cảnh báo rằng 323 triệu người có nguy cơ mắc các căn bệnh đe dọa tính mạng do ô nhiễm sông, hồ.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), bệnh tả, thương hàn và các mầm bệnh chết người khác đang ngày càng gia tăng ở các khu vực thuộc lưu vực của hơn một nửa số con sông ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Độ mặn cũng đã tăng trong gần một phần ba các đường thủy.
Riêng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 50% con sông hiện đang chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm mầm bệnh nghiêm trọng do sự kết hợp của nước thải chưa qua xử lý, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp và ô nhiễm công nghiệp.
Ngoài ra, nhu cầu nước toàn cầu cho các ngành công nghiệp dự kiến sẽ tăng 400% vào năm 2050. Điều này làm tăng thêm áp lực lên mạng lưới sông ngòi.
Paul Reig, cộng tác viên của Viện Tài nguyên Thế giới, cho rằng việc tăng cường hành động pháp lý là rất quan trọng để giải quyết 80% lượng nước thải trên toàn thế giới đang xả ra các con sông không qua xử lý. Tái chế nước thải cũng cần được quan tâm để kích thích nhu cầu công nghệ nước sạch trên thị trường.
Ước tính, khoảng 3,4 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nước, trong đó, gần một nửa là trẻ em dưới 5 tuổi. Khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.
Các cậu bé bơi tắm trên sông Yamuna ở New Delhi, con sông ô nhiễm nhất của Ấn Độ. (Ảnh: Shams Qari/ Barcroft Images) |
Với nguồn nước cạn kiệt, UNESO dự đoán đến năm 2030, mức thâm hụt nguồn cung cấp nước sẽ lên đến 40%, dân số toàn cầu tăng lên 9 tỷ người và nhu cầu nước dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân. Do đó, quản lý nguồn nước đang trở thành một vấn đề quan trọng trong thế kỷ 21.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/9 đã công bố báo cáo về "Thiệt hại do ô nhiễm không khí". Theo báo cáo, thiệt hại đó gây tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu. Báo cáo còn cảnh báo, những nguy hiểm do ô nhiễm không khí gây ra đã bắt đầu xuất hiện rõ nét tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo con số của WB, trong năm 2013, có tới 90% dân số ở những quốc gia này là nạn nhân của tình trạng ô nhiễm không khí. Tại khu vực Đông và Nam Á, thất thoát phúc lợi xã hội liên quan tới ô nhiễm không khí tương đương với suy giảm 7,5% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Với báo cáo và những con số đưa ra, Ngân Hàng Thế giới hy vọng truyền tải được những thiệt hại do ô nhiễm môi trường đối với nền kinh tế toàn cầu tới các nhà hoạch định chính sách, nhằm tạo thêm các nguồn lực cho hoạt động cải thiện chất lượng không khí trên Trái Đất.
Minh Trần