Thế giới đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, một trong những nguyên nhân được đưa ra là do người trẻ hiện nay lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con, dẫn đến tỉ lệ sinh ngày càng thấp. Theo thống kế của Tổng cục thống kê, tại Việt Nam tỷ lệ người độc thân có xu hướng tăng nhanh, từ 6,2% (năm 2004) lên 10,1% vào năm 2019. Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê cho thấy tuổi kết hôn trung bình ở cả nam và nữ đang tăng. Tuổi kết hôn trung bình của nam hiện là 26,2 và 23 đối với nữ, so với năm 2005, độ tuổi này là 25,4 và 22,8. Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi rằng tại sao người trẻ hiện nay lại lười yêu và ngại cưới? 

Bạn Kiều Linh, 28 tuổi chia sẻ lý do năm nay vẫn chưa muốn yêu đương, kết hôn: “Do tính chất công việc của mình làm việc trong thời gian dài, không có ngày nghỉ và do mình chưa tìm được đối tượng phù hợp để kết hôn” 

Điều kiện gia đình, kinh tế chưa vững khiến Hùng - nhân viên truyền thông 26 tuổi chưa muốn lập gia đình: “Vì tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều với máy tính nên mình ít khi có thời gian ra ngoài để hẹn hò, bạn bè mình ở tuổi này nhiều đứa đã lập gia đình, nhiều đứa đã có con, nhiều đứa công việc ổn định nhưng mình thấy mình vẫn chưa vững về kinh tế nên mình chưa muốn hẹn hò, mình sợ người ta yêu mình người ta sẽ phải khổ” 

Cú sốc trong cuộc hôn nhân của cha mẹ Hằng - 24 tuổi là lý do khiến bạn sợ tình yêu, hôn nhân: “Bây giờ mình vẫn đang độc thân và mình nghĩ lý do mình đang độc thân một phần nào đó là do mình có tuổi thơ không được trọn vẹn như bao người khác. Bố mẹ mình chọn cách ly hôn, kết thúc cuộc hôn nhân và nó đã ảnh hưởng một phần nào đó trong mình khiến mình mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân. Mình lựa chọn độc thân và không tin tưởng ai ngoài chính bản thân mình.”

Khi tình yêu được ví như lớp học và người bước vào sẽ nhận được nhiều bài học đắt giá thì người trẻ chọn cách từ bỏ lớp học ấy để tìm kiếm cho mình sự độc lập, tự do, tìm cho mình nhiều lý do hơn để được “lười”: lười yêu, lười kết hôn, ưu tiên tài chính cá nhân, lo sợ sự đổ vỡ trong quá khứ, chờ đợi người phù hợp để yêu là phần đa lý do được người trẻ đưa ra. Chia sẻ về lý do người trẻ lười yêu, ngại cưới, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục, ĐHQG HN cho biết: “Vì chúng ta đang sống trong một nền kinh tế rất năng động, nơi đâu người ta cũng nói đến KPI, rồi nói đến tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp, nói đến tự chủ tài chính và nghỉ hưu sớm nữa. Điều này lại định hướng sự tập trung chú ý sự ưu tiên của người trẻ vào việc bây giờ mình phải xây dựng sự nghiệp và tài chính cá nhân, hơn là tạo dựng các mối quan hệ gia đình. Thứ 2 là cùng sự phát triển của các phong trào bình đẳng giới đang lên ở trên thế giới thì quan niệm về hôn nhân gia đình cũng đã thay đổi rất là nhiều rồi. Cá nhân bây giờ coi trọng và tìm kiếm những sự độc lập, sự tự do của bản thân mình và ưu tiên việc thực hiện ước mơ hơn là cảm thấy là phải cam kết với nhau, phải kết hôn, phải có gia đình sớm. Bây giờ ngay kể cả các giá trị về tình yêu, rồi quan hệ tình dục nó cũng đổi khác rồi. Trước đây thì chúng ta nhất quán với quan điểm là tình yêu và tình dục đi liền với nhau. Nhưng bây giờ đối với các bạn trẻ tình yêu và tình dục không nhất thiết phải đi đôi với nhau nữa vì vậy bây giờ các bạn trẻ hay nói với nhau là ế là một xu thế, một vấn đề quốc tế . Thứ 3, là sự ra đời của công nghệ và internet cũng như các thiết bị di động thông minh khiến giới trẻ bây giờ có xu hướng nghiện màn hình. Khi đã nghiện màn hình rồi thì những người trẻ có xu hướng ngày càng kém hơn trong những kĩ năng tương tác và giao tiếp trên môi trường thực, vì vậy một bộ phận những bạn trẻ ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc xây dựng mối quan hệ ở trên thực tế với những đối tượng tiềm năng, ngoài ra sự ra đời của những ứng dụng hẹn hò trực tuyến cũng cho những người trẻ những trải nghiệm hẹn hò đến kiệt sức cùng với những sự kiện và trải nghiệm về sự thiếu tin cậy của những người chúng ta đã gặp phải càng làm củng cố thêm tâm lý lười yêu và ngại cưới”. Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thành Nam có thể thấy 3 lý do chính dẫn đến việc người trẻ ngày nay lười yêu, ngại cưới đó là do người trẻ tập trung cho việc xây dựng sự nghiệp và tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, sự phát triển của các phong trào bình đẳng giới cũng khiến cho người trẻ ưu tiên việc thực hiện ước mơ bản thân hơn là lập gia đình. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão của internet, của mạng xã hội cũng khiến người trẻ thu mình, ngại các mối quan hệ xã hội. 

Người trẻ lười yêu, ngại cưới dần trở thành xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tại Hàn Quốc, cuộc “đình công sinh đẻ” hay “đình công hôn nhân” đang trở thành vấn đề gây nhức nhối. Phong trào “self-love" đặc biệt được hưởng ứng bởi những người trẻ ngày nay. Tình yêu đôi lứa vì thế không còn quá quan trọng (như nó đã từng), hoặc bị đẩy sang ưu tiên số 2. 

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam xu hướng này cũng có những mặt tích cực đối với xã hội: “Ở giác độ tích cực thì hiện tại nó đang thúc đẩy tính tự chủ của cá nhân, giúp cho cá nhân có thể tập trung phát huy nhiều tiềm năng của mình ở trong môi trường công việc đa dạng, để qua đó lập thân lập nghiệp cống hiến cho xã hội và nó thúc đẩy cách nhìn mở về gia đình, về các giá trị hạnh phúc, khuyến khích xã hội chấp nhận các mô hình gia đình hiện đại tồn tại”. 

Tuy nhiên nó cũng tồn tại không ít những ảnh hưởng tới cuộc sống: “Nó đang thúc đẩy tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam rất nhanh, nó rút ngắn lại giai đoạn dân số vàng vốn là giai đoạn có thể giúp các quốc gia có thể phát triển. Và vì vậy nó có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động trẻ và những thách thức về an sinh xã hội cũng như những áp lực về tài chính cho việc chăm sóc tuổi già. Những người trẻ lười yêu và ngại cưới nhiều cũng dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần gia tăng, tại vì chúng ta biết gia đình tồn tại như một môi trường giảm xóc, một môi trường thúc đẩy các liên kết xã hội, một môi trường giúp chúng ta thực hành các kỹ năng giao tiếp, thấu cảm với nhau thì nếu bây giờ nó không được hình thành thì sẽ rất nhiều người cảm thấy cô đơn, có rất nhiều người đang thu mình bởi những mối quan hệ xã hội, có rất nhiều người thiếu đi sự thấu cảm và thiếu đi kĩ năng xử lý tình huống giao tiếp trên thực tế. Từ đó nó gia tăng các mâu thuẫn trong bạo lực gia đình”.    

Giữa cuộc sống hối hả, bộn bề, nhiều mối lo toan, tưởng chừng như người trẻ sẽ tìm cho mình những mối quan hệ, những chốn bình yên qua những buổi hẹn hò, yêu đương nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Một thế hệ trẻ ngày càng thu mình và lười yêu, ngại cưới cũng là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm. 

Bảo Yến