Lãnh đạo thành phố V. vốn “nóng” chuyện đất đai, giải phóng mặt bằng và độ ‘khó tính” của dân kể rằng, việc cưỡng chế số diện tích đất của Hợp tác xã P.T dạo ấy là hoàn toàn theo đúng chủ trương thu hút đầu tư, chuyển đổi việc làm của thành phố.
Chủ trương đưa ra được bàn thảo kỹ càng, dân được nghe, được tham gia đầy đủ, được bố trí đất ở, đất sản xuất và việc làm phù hợp…Nhưng vẫn có một số người “đọc” được và tính toán được lợi nhuận sau khi chủ đầu tư chia đất, bán nền nên kiên quyết đấu tranh tới cùng. Và một chi tiết cực kỳ nhạy cảm trong đó đã được/bị “soi” rất kỹ và nâng lên thành “quan điểm”, khiến cho mọi bước đi, cách làm trình tự trước đó đều trở nên…tầm thường !
Đó là trong số diện tích đất của dân bị cưỡng chế, có một hộ chính sách, mà ngày ký quyết định lại là ngày 27.7. Văn phòng điền số, đề ngày máy móc, không để ý, người ký không xem lại, cứ thế ban hành. Câu chuyện được phóng to, in đậm hết cỡ.
Chi tiết nhỏ, nhưng là bài học lớn cho bất cứ ai khi “quyết” làm những việc liên quan đến mỗi một người dân!
Cũng ở thành phố trên, một dạo con phố A thẳng tắp, xanh sạch bỗng nhiên thòi ra …ngôi nhà, vô cùng chướng. Ai cũng biết nguyên nhân do chủ hộ không chịu nhận định mức đền bù, vì đủ thứ lý do. Qua hết đời chủ tịch cũ đến chủ tịch mới, chủ tịch thành lên chủ tịch tỉnh, khung đền bù cũ thay bằng khung mới, bao nhiêu cuộc họp quyết lên, định xuống, cái nhà ấy vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Định mức hay khung quy định của Nhà nước trong vấn đề này là câu chuyện bàn cãi muôn thưở so với cái bảng “giá” linh hoạt vốn có của thị trường. Người dân có quyền suy tính thiệt hơn, trong khi người có quyền ký quyết định lại không thể phạm luật, không thể vượt rào. Bàn nhiều cách, tham khảo nhiều nơi nhưng không thể có giải pháp, trong khi càng để lâu càng bất lợi về nhiều mặt.
Rõ ràng trong chuyện này, phải thấy cái lợi của cả cộng đồng làm nền tảng. Giải quyết có lợi cho chủ hộ kia, dù có hơn so với mặt bằng quy tắc chung thì cũng chỉ là một người và là tiền đề đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Nhưng tuyệt đối không thể vì việc đó mà tạo ra một tiền lệ khác. Đó mới là chuyện nhức đầu, tổn thọ, tiến lùi, lùi tiến rất gian nan…của lãnh đạo, cả tập thể hay người đứng đầu trước những sự việc cụ thể liên quan đến từng người dân.
Thì đây, ai ai cũng thống nhất chủ trương thu hút đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình kinh tế, văn hóa, nâng tầm bộ mặt thành phố. Nhưng khi nhà đầu tư tiếng tăm kia vào công trình Chợ Ga hồi năm 2000 thì như …vấp phải đá! Các hộ tiểu thương không chịu, đơn từ gửi đi khắp nơi, kéo nhau lên nơi nọ nơi kia đòi giải thích, làm rõ. Rằng, nhà đầu tư “cuỗm” hết phần ngon, phần bổ, bà con chỉ được hưởng phần râu ria và không sớm thì muộn, mọi thứ sẽ về tay ông chủ kia, bà con buôn bán nhỏ lại ra vỉa hè. Nhà nước mất, dân mất, chỉ một số kẻ đầu cơ khôn ngoan là ăn ngược, ăn xuôi giữa ban ngày, nương sau những chủ trương ban đầu đúng hơn cả đúng.
Kết cục là mọi việc phải dừng lại vì chuẩn bị chưa “chín”, không thuận, xới ra nhiều hơn vun vào, nguy cơ chuyện bé xé thành chuyện to là không tránh khỏi. Nếu không cẩn thận có khi lại vô tình tạo ra một “điểm nóng” thì còn làm ăn, phát triển được gì ngoài việc che chắn, phòng ngự – vị lãnh đạo cảnh báo.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc với huyện Hóc Môn. Ảnh: Văn Đức |
Cũng không khác mấy chuyện lãnh đạo tỉnh Thanh đối thoại (mà thực chất là một bước lùi, dừng, đồng nghĩa với điều chỉnh, chưa phù hợp) với dân vùng biển khi dự án nọ bắt đầu triển khai. Cứ khăng khăng mọi việc đều đúng, đều hay nhưng ra thực tế kiểm nghiệm, nhiều vấn đề mới phát sinh, không lường hết, bắt buộc phải tính toán, xem xét cụ thể.
Để thấy trong thiên hình vạn trạng đời sống thực tiễn, trước mỗi vấn đề to nhỏ, lớn bé liên quan đến mỗi một người dân, mỗi sự việc cụ thể, từng bước tiến/lùi phù hợp của lãnh đạo là hết sức quan trọng và ý nghĩa.
Còn nếu là một người có chức trách, bổn phận như ông trưởng phòng TN-MT ở huyện Hóc Môn, TP. HCM mà “vô cảm”, mà “cứ cãi dân” như khẳng định chắc nịch của Bí thư Đinh La Thăng mới đây, thì án “trảm” là cái chắc và sẽ được dư luận đồng tình.
Xử lý việc có lợi/hại cho dân luôn là việc khó, khó đúng, dễ sai. Bất cứ hoàn cảnh nào, lãnh đạo lắng nghe dân, nếu có …thua dân, chịu dân, thậm chí phải điều chỉnh, thay đổi trong những sự việc, vấn đề cụ thể như các câu chuyện kể trên là việc nên làm, cần làm hơn bao giờ hết!
Cũng là quy luật, như thời chiến từng có những “trận đánh không thắng” trên đường dài tiến về ngày toàn thắng – vị lãnh đạo “chốt” chắc nịch...
XEM THÊM: