Minh bạch hóa ở mức có thể nhất trong quá trình tố tụng là một trong những giải pháp chống oan sai. Khi đó, bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trong thu thập chứng cứ và tranh luận , bên xét xử khách quan, vô tư phán quyết trên cơ sở tranh tụng giữa bên buộc và bên gỡ.
Án oan: Bồi thường không bù đắp hết tổn thất
Nói nguyên tắc “suy đoán vô tội” xa lạ với tố tụng hình sự Việt Nam là không hẳn đúng cho dù có lúc, có nơi nó hoàn toàn vắng bóng thậm chí bị ghẻ lạnh, bị nhiều người hiểu ngược lại: Một người chỉ được coi là vô tội khi có bản án tuyên họ vô tội.
Đảm bảo quyền của nghi can
Khi soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên cách đây gần 30 năm đã có sự tranh luận rất sôi nổi về nguyên tắc này. Vẫn là sự xung đột thường thấy trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đó là suy đoán vô tội là sản phẩm của tố tụng hình sự tư bản hoàn toàn xa lạ với tố tụng hình sự xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không thể cắt nghĩa được tại sao một người bị tình nghi và bị bắt tạm giam vẫn được coi là chưa có tội và buộc phải suy đoán vô tội?
Phía bên kia là sự thừa nhận nó như giá trị của văn minh nhân loại, một biểu hiện của tố tụng hình sự văn minh và nhân đạo
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được thả về giữa sự chào đón của người thân, hàng xóm |
Cùng với xu thế đổi mới, quan điểm thứ hai đã thắng thế tuy nhiên chưa tuyệt đối. Bộ luật Tố tụng hình sự đã có sự dè dặt nào đó khi quy định nguyên tắc: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của tòa án. Suy đoán vô tội vẫn chưa được thừa nhận một cách chính danh.
Để đảm suy đoán vô tội là nguyên tắc tố tụng hình sự không chỉ hô lên bằng một điều luật mà quan trọng là phải thể hiện nó xuyên suốt trong pháp luật và thực tiễn điều tra truy tố, xét xử. Cũng giống như nguyên tắc khác, suy đoán vô tội tạo tạo ra đường ray mà hoạt động tố tụng hình sự như con tàu mà phải bám vào đó mà chạy.
Vì rằng trách nhiệm chứng minh thuộc nhà nước nên nghi can không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình nên họ không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại chính mình, họ có có quyền im lặng.
Thế nhưng, luật Tố tụng hình sự Việt Nam chưa quy định cụ thể quyền im lặng của nghi can. Nhưng kỳ lạ cũng không quy định nghĩa vụ khai báo của họ. Khoảng trống pháp lý này tạo điều kiện coi bị cáo không khai là ngoan cố, chối tội để tăng nặng hình phạt, tệ hơn là hành vi bức cung dùng nhục hình.
Nhanh chóng minh oan
Vì rằng nghi can có quyền chứng minh sự vô tội của mình nên quyền bào chữa của họ được đảm bảo. Thế nhưng với kiểu tố tụng còn khép kín, nhiều vụ án chưa minh bạch như hiện nay thì để đảm bảo cho luật sư tiếp cận với việc giải quyết vụ án để thực hiện quyền bào chữa là câu chuyện còn không ít phàn nàn
Nguyên tắc suy đoán vô tội quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa và nguyên tắc tranh tụng. Bởi vì nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi chưa được xét xử thì quyền bào chữa, quyền được tranh tụng trước tòa để tìm ra chân lý của vụ án chỉ là “hư quyền”. Khi đó, việc xét xử chỉ là việc tòa đi tìm lời giải cho một bài toán có sẵn đáp số là một người có tội.
Thử hình dung dưới góc độ kỹ thuật thì tố tụng hình sự là một quy trình, dây chuyền máy móc mà mỗi cơ quan là một bộ phận cấu thành với các chức năng khác nhau: Ông buộc tội, ông xét xử, ông bào chữa và hệ thống đó vận hành theo cơ chế do Luật Tố tụng hình sự thiết lập.
Đầu vào của hệ thống đó là một người bị tình nghi sau khi chạy qua các khâu điều tra, truy tố, xét xử dứt khoát phải cho ra ở đầu kia một trong hai sản phẩm mà không có sản phẩm thứ ba. Đó là một người có tội và phải chịu hình phạt hoặc một người vô tội được trả lại sự trong sạch pháp lý. Nó một cách đơn giản là hoặc có tội hoặc không !
Tình trạng lửng lơ kiểu như có tội mà không có bản án hoặc không có tội thì không có quyết định, bản án minh oan vô hình dung “treo” số phận pháp lý của con người. Nếu không kịp thời minh oan một cách đàng hoàng và dứt khoát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quyền con người, quyền công dân của họ.
Minh bạch quá trình tố tụng
Cải cách tư pháp lấy tòa án làm trung tâm. Nhưng thực tế cho thấy trong lĩnh vực tư pháp hình sự thì hoạt động điều tra của cơ quan điều tra mới chính là chỗ cần tập trung cải cách nhất, bới tính chất phức tạp của công việc này và quyền con người dễ bị xâm phạm bởi nhiều lý do trong đó có sự quá đà trong tư duy của những người làm công tác này: Đó là chứng minh tội phạm bằng mọi cách.
Xét cho cùng phát hiện, điều tra để xử lý tội phạm là nhiệm vụ của hệ thống điều tra. Nhưng cần lưu ý, vẫn còn đó phía bên kia của vấn đề là số phận của những người bị tình nghi yếu thế. Vừa phát hiện được tội phạm, vừa bảo vệ quyền con người đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của hoạt động tố tụng hình sự nói chung và hoạt động điều tra nói riêng. Nhưng tố tụng hình sự trong nhà nước văn minh và nhân đạo đặt ra đòi hỏi đó.
Trong bóng đá, các trọng tài thường xử sự một cách khôn ngoan: Thà từ chối một bàn thắng hợp lệ còn hơn công nhận một bàn thắng không hợp lệ.
Trong tố tụng hình sự xã hội cảm thấy bị xúc phạm và bất bình ghê gớm bởi cơ quan điều tra, tòa án trừng phạt oan một người hơn là họ để một nghi can trốn thoát !
Minh bạch hóa ở mức có thể nhất trong quá trình tố tụng là một trong những giải pháp chống oan sai. Khi đó, bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trong thu thập chứng cứ và tranh luận, bên xét xử khách quan, vô tư phán quyết trên cơ sở sự tranh tụng giữa bên buộc và bên gỡ.
Đó là mô hình tố tụng được ưa thích nhất hiện nay trên thế giới. Đây được coi là điểm sáng trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới nếu nó được thông qua, nếu quy định về nguyên tắc tranh tụng trong dự thảo Hiến pháp được Quốc hội chấp thuận.
Kết lại bài viết này xin trích câu nói từ thế kỷ XIII, Vua Saint Louis đã thốt lên “Không phải nhờ sức mạnh của lưỡi kiếm, tin tưởng nơi lời thề hay nước, lửa, gió, mưa để tìm chân lý mà phải tìm chân lý nơi nhân chứng và bằng cớ”!
- Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)