"Đây là đất nước mà một cơn bão có thể khiến tàu gặp tai nạn, chiếc xe hơi có thể làm cây cầu sụp đổ và uống sữa có thể bị sỏi thận"... Đó là bình luận của một trong nhiều cư dân mạng Trung Quốc về vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc vừa qua.
Công dân mạng với tên gọi
"xiaoyaoyouliu" đã đăng tải bình luận trên trang web Sina Weibo rằng: "Trung
Quốc của ngày nay giống như con tàu đầu đạn đang lao vào một cuộc đua xuyên qua
bão gió - và chúng ta là tất cả hành khách trên đoàn tàu ấy".
Ảnh: Getty Images
Những phản ứng giận dữ tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc về phản ứng của chính phủ sau vụ va chạm chết người của tàu cao tốc vào cuối tuần trước, nỗi giận dữ ngày một lên cao kể cả khi hoạt động đã được nối lại trên tuyến đường cao tốc bị ảnh hưởng.
Một đoàn tàu cao tốc bị tàu khác đâm từ phía sau vào đêm thứ bảy gần Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, làm ít nhất 38 người tử nạn (trong đó có hai công dân Mỹ) và gần 200 người bị thương. Con tàu đầu tiên buộc phải dừng lại giữa đường vì mất điện. Vụ va chạm làm sáu toa trật bánh, gồm bốn toa lao xuống từ chiếc cầu cạn trên cao.
Mặc dù các phóng viên Trung Quốc đua nhau chạy tới hiện trường, nhưng không một tờ báo lớn nào đề cập tới vụ việc trên trang nhất hôm sau. Một người sử dụng Sina Weibo, tương đương như Twitter của Trung Quốc, đã lên tiếng về việc này Ngày càng có nhiều phương tiện truyền thông xã hội cung cấp cho hàng triệu người Trung Quốc những thông tin nhanh nhất, hình ảnh cũng như những lời bình luận chỉ trích gai góc, những sự cảm thông chia sẻ mất mát.
Vào thời điểm Bộ Đường sắt Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo đầu tiên sau hơn 24h xảy ra vụ tai nạn, người dân không chỉ chứng kiến những báo cáo về các hành khách mắc kẹt trong đoàn tàu tối tăm hay hình ảnh một toa tàu "treo" đung đưa từ thành cầu - họ còn thấy nhiều xe ủi vội vã nghiền nát các toa xe đã rơi xuống đất và chôn vùi đi đống đổ nát.
Đổ lỗi
"Làm sao chúng tôi có thể lấp liếm một vụ tai nạn mà cả thế giới đã biết về nó?", một người phát ngôn đường sắt tên là Vương Dũng Bình nói. "Họ nói với chúng tôi là chôn vùi toa xe để tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực cứu hộ - và tôi tin đây là lời giải thích".
Vương có vẻ "kiệm lời" khi các phóng viên yêu cầu ông giải thích về sự thật một bé gái còn sống được đưa ra khỏi đống đổ nát sau 20h xảy ra vụ việc và rất lâu sau khi nhà chức trách tuyên bố không còn dấu hiệu của sự sống trong các toa tàu. "Đó là một phép màu", ông nói.
Trong kết quả điều tra sơ bộ, đổ lỗi cho sét đánh gây ra hỏng hóc thiết bị và là nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc, Vương vẫn đủ tin tưởng vào độ an toàn của đường sắt cao tốc gây tranh cãi của Trung Quốc: "Các công nghệ Trung Quốc là hiện đại và chúng tôi vẫn tin điều đó".
Trong khi một số phương tiện truyền thông nhà nước nói lại ý của Vương, thì nhiều công dân mạng tỏ ra hoài nghi về từng tuyên bố của ông, từ tổng số người tử nạn tới nguyên nhân vụ việc và gọi ông là bộ mặt của một bộ sa lầy vào những cáo buộc tham nhũng cũng như tắc trách. "Đây là mảnh đất màu mỡ cho nạn quan liêu và những quan chức máu lạnh nhất thế giới", một người dùng mạng tên là "chenjie" viết trên Sina Weibo.
Các công dân mạng còn đưa lại cuốn video cũ cho thấy vị kỹ sư trưởng của Bộ Đường sắt Trung Quốc tự hào nói với truyền hình nhà nước vào năm 2007 rằng, Trung Quốc đã phát triển các công nghệ hiện đại cho phép các tàu đầu đạn không bao giờ tụt hậu.
Việc nhanh chóng sa thải ba quan chức đường sắt địa phương ở Thượng Hải đã không xoa dịu được người dân. Tuyên bố bổ nhiệm người phụ trách đường sắt mới ở đây chịu sự khinh thường hơn là tán thưởng, khi người được thay thế từng một lần bị giáng chức vì vai trò của mình trong một tai nạn đường sắt năm 2008 làm 72 người thiệt mạng.
Nhanh hơn có tốt hơn?
Trong một cuộc thăm dò dư luận trên Sina Weibo về cách giải quyết của chính phủ Trung Quốc với vụ việc này, hơn 90% trong tổng số 30.000 người được hỏi trả lời: "Kinh khủng - chúng ta không được đối xử như những con người".
Giờ đây, khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dư dả tiền nong, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới - với hơn 8.300km các lộ trình chỉ trong ít năm. Trong 5 năm tới, chính phủ dự kiến đổ hơn 400 tỉ USD vào các dự án đường sắt.
Sự đầu tư đồ sộ và xây dựng nhanh chóng đã khiến người dân lo ngại về mức độ an toàn và khả năng thương mại của những tuyến đường mới. Những tiếng nói hoài nghi trở nên lớn hơn khi cựu Bộ trưởng Đường sắt - một nhà quán quân trong đường sắt cao tốc - đã bị sa thải vì tham nhũng vào đầu năm nay.
Thậm chí tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải - dự án mới nhất và hãnh diện nhất của bộ này - nhiều lần cũng bị chỉ trích kể từ khi khai trương chưa đầy một tháng trước đây.
"Không phải nhanh hơn là tốt hơn", Tôn Trương - một giáo sư nghiên cứu đường sắt tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải nói. "Chúng ta cần xem xét tới an toàn, kinh tế và những ảnh hưởng môi trường. Về mặt chiến lược, chúng ta có thể nói về bước nhảy vọt trong ngành công nghiệp, nhưng về chiến thuật, chúng ta phải làm mọi thứ từng bước một".
Trở lại cuộc tranh luận trong cộng đồng mạng, nhiều người dùng - vốn đã luôn lo âu về sự an toàn trong cuộc sống hàng ngày - giờ đây nhìn nhận đường sắt cao tốc của Trung Quốc (từ lâu được coi là biểu tượng của sự phát triển nhanh chóng đất nước) như một phép ẩn dụ của những khó khăn mà Trung Quốc tiếp cận để phát triển.
"Đây là đất nước mà một cơn bão
có thể khiến tàu đâm nhau, một ô tô có thể làm sập cầu và uống sữa có thể bị sỏi
thận", "xiaoyaoyouliu" bình luận.
Thái An (Theo CNN)