-Nhóm cán bộ tổ chức hướng tới
minh bạch tại Việt Nam vừa đưa ra những công bố sau cuộc khảo sát về “tham nhũng
trong giáo dục phổ thông” đã cho dư luận thêm một lần nữa nhìn nhận rõ ràng hơn
về tình trạng “chạy” trường đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Báo cáo chỉ ra, trường danh tiếng 3.000 USD một suất “chạy” trường, trường cỡ
mèng mèng thì cũng 300 - 800USD, vậy mà có tới 67% bậc phụ huynh cho là chuyện
bình thường và 1.000 USD cho một suất vào trường là mức giá “chấp nhận được”.
Điều đó cho thấy câu chuyện “chạy trường, chạy lớp” là chuyện công khai như là
tất yếu. Điều đó cũng cho thấy việc hối lộ, tham nhũng trong giáo dục không còn
là “phi lý” mà đã trở thành “hợp lý”. Câu hỏi mà dư luận đặt ra khi tham nhũng
trong giáo dục đã trở thành chuẩn mực thì tác động của nó tới việc đào tạo sẽ
như thế nào? Phải làm gì để chặn đứng tham nhũng “chạy” trường?
Vì sao có “mua đơn”, “bán suất”
Đã từ lâu, các bậc phụ huynh có
con đi học tiểu học đều quen thuộc với cụm từ “mua đơn”, “bán suất”. Chúng ta
đang phổ cập tiểu học, vậy tại sao có cụm từ này, tại sao lại có chuyện mua bán
trong ngành giáo dục? Câu trả lời là vì có sự chênh lệch giữa các trường, khiến
các bậc phụ huynh chạy đua để cho con vào trường điểm, trường chuẩn, trường chất
lượng cao. Khi phụ huynh có nhu cầu thì nhà trường có “suất”, có cơ hội tham
nhũng. Các “suất” này được nhà trường “phân phối” từ các giáo viên trong trường,
cho đến các mối quan hệ của trường, thậm chí nhân viên bảo vệ cũng có “suất”.
|
“Suất” được tính bằng tiền, bằng ngoại tệ. Ai có “suất” thì cho con em mình vào,
ai không có con em thì bán qua những mối quan hệ, qua “cò”, thậm chí còn rao bán
ông ổng trên mạng. Tùy theo độ “hot” của trường mà các bậc phụ huynh phải bỏ
tiền mua với giá 3.000 USD, hay 300 USD như báo cáo của nhóm cán bộ tổ chức
hướng tới minh bạch vừa khảo sát.
Câu chuyện mua - bán trên cho thấy việc tham nhũng trong việc “chạy” trường trái
tuyến đang diễn ra rất công khai. Ai cũng biết đó là tham nhũng, giáo viên biết,
phụ huynh biết và đương nhiên các nhà quản lý giáo dục đều biết, nhưng cuộc đua
của năm sau bao giờ cũng “nóng” hơn, quyết liệt hơn và lộ liễu hơn các năm
trước. Rất ít khi các cuộc thanh tra của ngành Giáo dục tìm ra được những cuộc
bán mua đó.
Việc mua “bán suất, chạy trường” trái tuyến đã đẩy khoảng cách giữa các trường
trong cùng cấp học ngày càng xa, sự chênh lệch về điều kiện giảng dạy, cơ sở vật
chất, chất lượng giảng dạy ở các trường ngày càng nới rộng khiến các bậc phụ
huynh càng chạy đua để vào các trường có điều kiện tốt hơn. Điều này dẫn đến
tình trạng các trường chuẩn quá tải có những lớp lên tới 65 học sinh (trong khi
tiêu chuẩn là không vượt quá 35 học sinh). Đối lập với đó là các trường không
đạt chuẩn thì không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp
cận giáo dục như báo cáo của nhóm khảo sát đã chỉ ra: “Đưa hối lộ để được nhận
vào trường “điểm” đã được coi là hiện tượng thông thường mà chỉ có các gia đình
khá giả mới có điều kiện thực hiện, từ đó khiến cho trẻ em ở các gia đình nghèo
phải chịu thiệt thòi“; “Tác động lớn nhất của tham nhũng trong tuyển sinh là làm
gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục”.
Học sinh học đúng tuyến, còn giáo viên nên dạy… “trái tuyến”
Theo quy định thì các trường phải tuyển học sinh đúng tuyến, nhưng thực tế có
những trường mà học sinh trái tuyến chiếm 30-40%. Thậm chí ở Đà Nẵng có trường
Tiểu học có hơn 1.200 học sinh mà có tới gần 1.000 học sinh học trái tuyến, gấp
3 lần học sinh đúng tuyến khiến lãnh đạo thành phố phải “can thiệp” cả vào việc
tuyển sinh để hạn chế tình trạng tuyển học sinh trái tuyến. Và câu chuyện các
bậc phụ huynh xếp hàng từ 2 giờ sáng, xô đổ cả cổng trường chất lượng cao để xin
đi học cho con chắc cũng chỉ có ở Việt Nam.
Báo cáo của nhóm tổ chức hướng tới sự minh bạch tại Việt Nam cũng chỉ ra nguyên
nhân đầu tiên của tình trạng “chạy” trường là do nhu cầu lớn, và các phụ huynh
vừa là “nạn nhân”, song cũng là “tác nhân”, “chủ thể chính” của nạn “chạy”
trường và muốn ngăn chặn nạn “chạy” trường cần chú trọng đến các biện pháp xã
hội và truyền thông đồng thời có sự cải thiện về chế độ tiền lương cho giáo
viên… Song đó chỉ là những giải pháp ngắn hạn không giải quyết được gốc rễ của
vấn đề. Nếu còn sự chênh lệch giữa các trường, còn cho phép các trường tuyển học
sinh trái tuyến thì tình trạng mua “bán suất, chạy trường” vẫn còn tiếp diễn,
đồng nghĩa với việc tham nhũng trong giáo dục phổ thông vẫn còn tồn tại.
Vấn đề đặt ra là ngành Giáo dục đào tạo cần có những giải pháp chiến lược để xóa
khoảng cách giữa các trường trong cùng cấp học. Bên cạnh việc siết chặt việc
tuyển sinh trái tuyến, công khai minh bạch thông tin tuyển sinh thì giải pháp
dài hơi là tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có kinh
nghiệm cho các trường vốn vẫn được coi là “chiếu dưới”. Các giáo viên giỏi không
nhất thiết cứ tập trung ở các trường chất lượng cao mà cần có sự phân bổ cho các
trường chất lượng đào tạo còn thấp để từ đó lấy những giáo viên giỏi làm hạt
nhân phát triển nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường chất lượng giáo dục
thấp. Tất nhiên ngành Giáo dục cần có chế độ đặc biệt đối với các giáo viên này.
Song sự nghiệp giáo dục rất cần sự hy sinh của những người làm thầy. Đã có rất
nhiều thầy cô giáo hy sinh quyền lợi vật chất riêng của mình để đem cái chữ lên
những vùng cao nghèo khó. Vậy việc giáo viên chuyển sang “dạy trái tuyến” ở một
môi trường có điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế là việc không phải là quá
khó.
Bộ Giáo dục - đào tạo đang xây dựng Đề án đổi mới giáo dục, người đứng đầu ngành
Giáo dục - bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng rất tâm huyết với Đề án đổi mới giáo dục
lần này. Ông nói đây là một “trận đánh lớn”, chấp nhận trả giá, chấp nhận hy
sinh. Có lẽ các giáo viên cũng đồng lòng với người đứng đầu ngành Giáo dục. Hy
sinh vì tương lai của nền giáo dục là việc đáng làm.
Thông điệp được phát đi trong báo cáo của nhóm tổ chức hướng tới minh bạch là:
“Giáo dục thế hệ trẻ sẽ không thể thành công khi tham nhũng làm hư hỏng các
trường phổ thông và đại học”. Thông điệp đó làm tất cả chúng ta phải suy nghĩ.
Đặc biệt là những người làm thầy.
-
Theo An ninh Thủ đô
>>Mời độc giả ghé thăm vào đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam