Ngày 17/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 10 năm Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đầu tư ra nước ngoài. Sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế, Viettel nay đã đầu tư tại 11 quốc gia với quy mô dân số 320 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam. Trong đó, 5 nước kinh doanh được 5 năm đều có lãi và đứng thứ nhất hoặc thứ 2, thậm chí một số nước kinh doanh chưa đến 2 năm đều đứng số một như Tanzania, Burundi.

Theo công ty tư vấn định giá, năm 2016 giá trị của 9 công ty nước ngoài của Viettel ở mức 4,5 - 5 tỉ USD tính theo giá trị thuê bao. Năm nay, dự kiến chỉ riêng doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel đã đem về gần 1,4 tỉ USD, lũy kế đến nay đạt 6,5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của Viettel nói riêng và các doanh nghiệp Việt nói chung trong việc đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế.

“Chúng ta rất tự hào Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài thành công với quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao là viễn thông và công nghệ thông tin. Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một động lực, nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của Viettel”, Thủ tướng nói.

Với uy tín cao, tiềm lực mạnh về Công nghệ, tài chính, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và kinh doanh giỏi, mạnh dạn trong đầu tư trong phát triển, Viettel đã và đang liên tục tăng trưởng rất mạnh, đứng trong tốp đầu về doanh thu nộp ngân sách nhà nước và hiện là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kết quả đạt của Viettel đã tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế, các đối tác nước ngoài; đồng thời điều đặc biệt quan trọng là đã truyền cảm hứng và sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách mở rộng thị trường của mình, tham gia sâu vào thị trường quốc tế, phải học cách kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các Tập đoàn quốc tế. Chúng ta có quyền tự hào đã có một tập đoàn của Việt Nam đầu tư kinh doanh, cạnh tranh được với các tập đoàn toàn cầu. Các dự án đầu tư của Viettel còn là nhịp cầu nối quan trọng giúp tăng cường và thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước”.

Thủ tướng còn cho rằng, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh chóng. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số hóa, Internet vạn vật, cung cấp dịch vụ gia tăng cao, như xây dựng hạ tầng xã hội, thành phố thông minh và các tiện ích về giao thông, điện lực, y tế, giáo dục, giải trí... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra nhiều thời cơ và thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. 

Trước những cơ hội và thách thức đó, Thủ tướng cho rằng, Viettel đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, không chỉ theo nghĩa có quy mô lớn, mà còn theo nghĩa là nhà đầu tư đích thực, có năng lực giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành viễn thông của tất cả các quốc gia Viettel đầu tư. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia. Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia. Viettel hãy chú trọng công tác dự báo, phân tích và quản trị rủi ro. Viettel cũng cần giữ gìn văn hóa và có mối quan hệ bền hữu với các quốc gia đầu tư mà các đồng chí đã làm trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Viettel đã tạo ra một mẫu hình tăng trưởng mới cho Việt Nam. Chúng ta không thể cứ khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ mà cần đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Trong một thế giới phẳng, các đồng chí mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng các phương thức kinh doanh mới, bao gồm cả sát nhập và mua bán (M&A). Viettel đã đi đầu và sẽ phải là nòng cốt trong bước chuyển về sức cạnh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta rất cần và mong muốn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như Viettel.

“Lịch sử đã cho thấy có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho thế giới những sản phẩm-dịch vụ tuyệt vời mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh họat của con người. Tôi cảm nhận rất rõ tất cả sự đam mê và khát vọng, tinh thần dám nghĩ và dám làm của hơn 50 nghìn cán bộ-công nhân viên Tập đoàn. Với tất cả niềm tin, Tôi đặt hàng Viettel bài toán thách thức này”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Nhiều người cho rằng, những nội dung mà Thủ tướng giao phó thực sự là một thách thức rất lớn đối với Viettel. Phát biểu tại sự kiện này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Giao cho doanh nghiệp một trọng trách chính là trao cho một cơ hội và động lực thúc đẩy doanh nghiệp đó tiến lên… Nhưng, những khó khăn là luôn có thật. Viettel luôn chủ động chấp nhận đi xuyên qua những khó khăn. Đó là cách để chúng ta xây dựng niềm tin và sức mạnh cho chính mình. Đó là cách để Viettel tái tạo chính mình, cách sáng tạo lại chính mình. Đã nhiều lần, rất nhiều người bảo với rằng, Viettel không thể làm được việc này. Nhưng chúng ta tin rằng theo đuổi ước mơ của mình và hiện thực nó là việc mà bất kỳ ai trong đời cũng nên thử cố gắng. Và rồi chúng ta cũng rất nhiều lần chứng minh là mình có thể làm được”.

“Không dám thay đổi, đó chính là khước từ cơ hội của chính mình. Chúng ta đã từng thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ. Chúng ta đã từng luôn làm một điều gì đó khác biệt. Lịch sử Viettel nhắc chúng ta rằng, tại mỗi thời điểm khó khăn, Viettel chúng ta đều đáp lại bằng những hành động mãnh liệt và bằng những tư tưởng lớn lao. Chúng ta đã khiến những sự thay đổi ấy trở nên có ích. Trong khó khăn luôn luôn có cơ hội. Và vì chúng ta nhận ra cơ hội khi người khác chỉ thấy được rủi ro nên chúng ta luôn vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước”, Tổng giám đốc Viettel nói.