Mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh càng xấu thì an ninh Đông Bắc Á càng bị đe dọa, khi mà cuộc đua quân sự giữa đôi bên quyết liệt hơn, và mọi hiềm khích cũng không cần che giấu.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa ảnh) tới thăm ngôi đền Yasukuni. Ảnh: Guardian |
Khi Trung Quốc ngày càng có thái độ kiên quyết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Nhật Bản liền tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng lên 2,8% cho năm 2014 (46,8 tỉ USD). Giáng sinh vừa qua, Tokyo đã công bố một danh sách các ưu tiên hàng đầu cho ngân sách quốc phòng mới, lớn hơn và cao cấp hơn.
Trung Quốc đương nhiên chẳng vui gì với danh sách này khi mà Tokyo chỉ xoáy vào việc đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Các kế hoạch của Nhật bao gồm việc cải thiện khả năng do thám quanh quần đảo tranh cãi (giữa Trung Quốc và Nhật Bản) và các vùng biển và Trung Quốc đang đòi quyền kiểm soát. Nhật cũng nói về việc nâng cấp năng lực không vận, đưa các lực lượng trên bộ đất và hải quân nhanh chóng triển khai để đối phó lại với bất kỳ động thái bất ngờ nào từ Trung Quốc.
Bản kế hoạch của Nhật cũng đi vào sâu các chi tiết, như là việc các nguồn lực dân sự và quân sự sẽ được vận động như thế nào, cùng với sự giúp đỡ từ các quốc gia đồng minh.
Tất cả những điều này đều khiến cho phía Trung Quốc càng thêm khó chịu vì họ đã vốn ghét Nhật. Tuy nhiên, khi đó thì Nhật không phải là mối đe dọa với Trung Quốc.
Đến cuối thế kỷ 19, Nhật quyết định công nghiệp hóa, và vũ trang như các quốc gia phương Tây và có quan điểm dần dần gay gắt hơn với Trung Quốc. Người Nhật khi đó nghĩ rằng họ là hy vọng tốt nhất tại Đông Bắc Á để sánh ngang với phương Tây.
Mối hiềm khích giữa Nhật và Trung Quốc trong suốt giai đoạn lịch sử từ thế kỷ trước sẽ còn gây tổn hại tới cả hai bên trong rất nhiều thế hệ kế tiếp. Trung Quốc sẽ càng giận giữ hơn nữa nếu như những lời đe dọa nhằm thẳng vào Nhật không được tiếp thu thích đáng; và Nhật sẽ đáp trả với chi tiêu quân sự nhiều hơn và các kế hoạch nhằm ngăn trở các ý định của Trung Quốc.
Khu vực Đông Bắc Á lo sợ rằng tất cả những việc này đều không mang lại kết thúc tốt đẹp.
Thực tế là quá khứ một lần nữa được khơi ra, và những vết thương cũ của lịch sử cùng những uẩn ức đi kèm đang làm tổn hại các mối quan hệ quan trọng đáng ra giúp thúc đẩy ổn định trong khu vực.
Một tuần sau chuyến viếng thăm của ông Shinzo Abe tới ngôi đền chiến tranh Yasukuni trong dịp kỷ niệm năm đầu tiên ông trở lại cầm quyền, chưa ai rõ động cơ thật sự của ông sau động thái này.
Nhưng dù mục đích là gì chăng nữa thì hệ quả nó mang lại cũng sẽ khiến cho việc giải quyết một số vấn đề gai góc trong khu vực thêm phức tạp hơn.
Trong một khu vực đã bị điêu đứng vì các căng thẳng chủ quyền biển đảo, và một Triều Tiên ngày càng khó lường, các chuyên gia nói rằng động thái vừa qua của ông Abe đã đóng chặt mọi cửa ngõ cho đối thoại nhằm tìm cách tháo gỡ các vấn đề trên. Đồng thời, chỉ một cử chỉ này của ông Abe cũng đẩy đồng minh lớn nhất của Nhật là Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Khi nhậm chức vào năm 2006, ông Abe có quan điểm rõ ràng với ngôi đền này, khi đặt ưu tiên vào việc cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Còn khi ông quyết định tới thăm ngôi đền này cách đây một tuần, nhiều nhà phân tích cho rằng ông đã có sự nhầm lẫn giữa lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hoài niệm quá khứ.
Với các nước láng giềng, ông Abe rõ ràng đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng ông không còn quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với họ nữa.
“Theo cách lý giải của riêng bản thân ông Abe, ông đã cố gắng cải thiện quan hệ với các quốc gia trong suốt một năm qua, và đến thời điểm cuối năm đầu tiên này, các mối quan hệ đều xấu đi… việc tới ngôi đền (Yasukuni) chính là cách gửi đi thông điệp tới Bắc Kinh và Seoul rằng ông hiểu họ cũng chẳng muốn có quan hệ khả dĩ hơn, và ông cảm thấy điều đó cũng tốt thôi” - Michael Auslin – giám đốc trung tâm Nhật Bản tại Học viện Kinh doanh Mỹ tại Washington – lý giải.
Nhưng ngoại giao trong khu vực mỗi lúc một phức tạp hơn, và ông Abe sẽ phải đối mặt với các hệ quả sâu rộng hơn so với những người tiền nhiệm.
Nhà nghiên cứu cấp cao Sheila Smith tại trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định: giờ đây, khả năng kiểm soát các rủi ro trên biển ở Hoa Đông đã bị suy yếu đáng kể vì đã mất đi khả năng đối thoại ngoại giao.
Trong khi xung đột quân sự trở thành mối lo ngại thật sự, thì Trung Quốc thiết lập nên cái gọi là khu vực nhận diện phòng không chồng lấn với vùng biển của các quốc gia khác.
Cùng với đó là những động thái thanh trừng bất thường ở Triều Tiên đang đặt ra một thực tế là, tình hình ở Bình Nhưỡng càng lúc càng khó lường; và trong một tình huống khẩn cấp xảy ra, rất khó để Tokyo và Bắc Kinh, Seoul cùng ngồi vào bàn đối thoại với nhau.
Và khi mà các bên chính trong môi trường an ninh Đông Bắc Á không tìm được tiếng nói chung thì Mỹ sẽ là người đau đầu nhất, vì nó tổn hại tới việc hoạch định chính sách, cũng như ảnh hưởng của Washington. Tất nhiên, chiến lược đặt châu Á làm trọng tâm của chính quyền Obama cũng là một ‘nạn nhân’.
Lê Thu (theo SP/Diplomat)