Phần lớn các dự án giao thông chiến lược, mang tính đột phá cao thời gian gần đây đều ít nhiều ghi dấu ấn của những nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực mạnh.

Bài học “tư nhân hoá”

Tại một hội thảo về kinh tế hồi giữa năm nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet Air đã nêu một thực tế đáng suy ngẫm: để thay đổi một vách kính ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhà nước làm mất 2 năm, trong khi cũng chỉ 2 năm đó, doanh nghiệp tư nhân đã chủ động đầu tư cả một sân bay quốc tế như ở Vân Đồn. Tương tự, hãng bay tư nhân Vietjet của bà làm nhà ga mới của sân bay Cam Ranh chỉ mất 18 tháng.

{keywords}
 

Sân bay Vân Đồn đã nhiều lần được đưa ra như một “thước đo” so sánh hiệu quả, tốc độ ưu việt khi tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng cho rằng, sự khác biệt giữa vấn đề tư nhân và nhà nước cùng đầu tư xây dựng thể hiện ở tiến độ. Thời gian làm sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm, trong khi những việc cấp bách như cải tạo Tân Sơn Nhất hay xây dựng sân bay Long Thành, riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Theo ông Thiên, đây chính là “nút thắt” về cơ chế chính sách cũng như bài học về “tư nhân hoá”.

Trên thực tế, không chỉ sân bay Vân Đồn, hàng loạt công trình giao thông nghìn tỉ do nhà đầu tư tư nhân đảm nhận liên tục cán đích thời gian gần đây là minh chứng rõ nhất cho vai trò và vị thế không thể thiếu của nguồn lực tư nhân trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Từng gặp khó về nguồn vốn để thi công cầu Bạch Đằng (dài hơn 5 km) khi thực hiện dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, mà theo tính toán cần tới 10 năm tiết kiệm chi của tỉnh nếu dùng ngân sách, Quảng Ninh đã mạnh dạn xin cơ chế đầu tư theo hình thức BOT. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn 8 nhà đầu tư trong nước đã đề xuất tham gia dự án cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến với tổng mức hơn 7.000 tỉ đồng. Khởi công tháng 1.2015, đến đầu tháng 9.2018, cầu Bạch Đằng – một trong những cầu dây văng lớn nhất cả nước chính thức thông xe, kéo gần quãng đường từ TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đi Hà Nội từ 175 km xuống 125 km, rút ngắn thời gian từ 3,5 giờ đồng hồ xuống chỉ còn 1,5 giờ.

{keywords}
 

Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn có tổng mức đầu tư lên tới gần 14.000 tỉ đồng, dài khoảng 60 km nối liền với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng do nhà đầu tư tư nhân thực hiện cũng đang gấp rút đẩy tiến độ để hoàn thành cuối năm nay. Trước đó, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã được đưa vào hoạt động đầu tháng 9 cùng cầu Bạch Đằng – mở ra một bức tranh mới về hạ tầng của khu vực sôi động đông bắc Quảng Ninh, Hải Phòng - cũng do doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm.

Chưa hết,  cũng tại Quảng Ninh, cảng tàu  khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của cả nước cũng do một đơn vị tư nhân đầu tư - đã  chính thức đón những chuyến tàu khách quốc tế hạng sang đến Vịnh Hạ Long. Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong thời gian kỷ lục hơn 1 năm, với quyết tâm tạo điều kiện của chính quyền và nỗ lực của nhà đầu tư, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long đã hoàn thành,  có thể cùng lúc phục vụ được 2 tàu khách siêu sang cập cảng.

Nhà đầu tư chiến lược – “chọn mặt gửi vàng”

Vị thế của nguồn lực tư nhân càng rõ rệt hơn nếu nhìn vào cân đối vốn cho hạ tầng sắp tới. Bộ GTVT xác định nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 cần khoảng 952.731 tỉ đồng, song nhà nước mới chỉ cân đối được khoảng 30,6% kể cả nguồn vốn ngân sách lẫn vốn vay.

Riêng lĩnh vực hạ tầng, nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á – ADB cho biết, từ năm 2015 đến 2025, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trung bình của Việt Nam khoảng 16,7 tỉ USD. Theo Bộ KH-ĐT, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% tổng nhu cầu, vì vậy việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là đặc biệt cần thiết.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, chọn nhà đầu tư phải thực sự là “chọn mặt gửi vàng”. Bài học nhãn tiền trong thu hút BOT giai đoạn trước đây cho thấy, Bộ GTVT đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 209.000 tỉ đồng, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp tư nhân trong nước  ở cả vai trò nhà đầu tư và nhà thầu thi công. Bộ mặt hạ tầng giao thông từ năm 2011 đã có những bước thay đổi đột phá với hệ thống cao tốc, quốc lộ, cầu, cảng hàng không... Nhưng những sai lầm từ sự phát triển “nóng” BOT như chỉ định thầu cũng đã sinh ra một lớp nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, yếu chuyên môn và thiếu cả năng lực tài chính khiến nhiều dự án giao thông bị đội vốn, kém chất lượng, lãng phí cơ hội.

{keywords}
 

Để hạn chế những bất cập trong quá khứ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đang tham gia xây dựng, bổ sung thay đổi các nghị định về PPP như nghị định 15, 30 và đề xuất xây dựng luật về PPP. Trước đây chỉ định thầu thì hiện nay yêu cầu bắt buộc phải đấu thầu, minh bạch công khai rộng rãi, qua đó sẽ lựa chọn được những nhà đầu tư chiến lược, có thực lực tài chính.

“Lấy ví dụ như sân bay quốc tế Vân Đồn do Sun Grop triển khai tại Quảng Ninh, đây là cách làm rất tốt, doanh nghiệp có sẵn tiềm lực tài chính, đẩy nhanh xây dựng sân bay để tăng tính kết nối có lợi cho cả doanh nghiệp lẫn địa phương. Vì thế thời gian từ khi triển khai xây dựng đến hoàn thiện rất nhanh chóng nếu so với chính các sân bay do nhà nước làm. Chúng ta hiện nay có rất nhiều tập đoàn tư nhân mạnh, hoàn toàn có khả năng tham gia đầu tư các dự án lớn như sân bay, đường sắt đô thị... Quan điểm của nhà nước là tạo điều kiện mở cửa tối đa cho các nhà đầu tư đủ năng lực, đặc biệt các nhà đầu tư tư nhân”, Thứ trưởng Nhật khẳng định.

Ngọc Minh