- Sau khi đọc bài “Việt Nam loay hoay tìm công nghiệp mũi nhọn”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Càng bàn, càng lắm ‘mũi nhọn’?

Email codemax@gmail.com đề xuất: “Tại sao chúng ta không tập trung vào chế tạo robot? Ngành chế tạo robot ở Viet Nam đã có tiếng vang, robot công nghiệp là xương sống cho chế tạo xe hơi, bo mạch, đồ tiêu dùng, máy bay… Muốn thành nước công nghiệp thì cơ bản phải phát triển tự động hóa.”

Bạn đọc Thanh Trần (email the_thanh_nd_2005@yahoo.com) cũng cho rằng: “Tương lai của Việt Nam chính là ngành sản xuất robot. Khi mà nền công nghiệp thế giới ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có độ chính xác cao, quy trình sản xuất có tính chuyên môn hóa và dây chuyền ngày càng sâu hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào con người với những thao tác có tính lặp lại đơn giản, tăng năng suất làm việc thì Robot sẽ được sử dụng ngày càng sâu rộng. Khi mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ VN bằng quyết tâm cải cách (như Hàn Quốc đã làm thập kỷ 60, 70, 80) thì không chỉ công nghiệp VN cất cánh.”

Ảnh minh họa
Ý kiến của email changialai@yahoo.com lại khác: “Tất cả phải dựa vào một cái nền là khoa học tính toán và mô phỏng, không có cái này thì chẳng làm được cái gì cả, vì không tự tính toán và thiết kế được thì là sản xuất bắt chước, vi phạm sở hữu công nghiệp và làm thuê cơ bắp mà thôi.

Tiền sinh sống, máy tính, tài liệu sách vở đó là những gì các nhà khoa học tính toán cần, mà thứ này đầu tư không tốn kém. Đây là cách đi tắt đón đầu duy nhất mà chúng ta có thể làm để công nghiệp hóa nhanh, lại rất phù hợp với người Việt có nền tảng toán tốt.”

Email longhuynhtdd@yahoo.com lại cho rằng: “Tôi thấy cái cần làm hiện nay nhất là giáo dục. Song song với giáo dục thì hỗ trợ cho ngành chế biến nông sản, điệp khúc được mùa mất giá hoăc hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh năm nào cũng vậy nghe thấy mà đau lòng.”

Ý kiến của email phamson99@gmail.com: “Tôi nghĩ nên chọn cơ khí chế tạo (ô tô, máy nông nghiệp là chủ yếu); điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, giày da; chế biến thực phẩm.”

Bạn đọc Nguyễn Trường Sơn (email tk.lamtra@gmail.com) phân tích: “Trong nông nghiệp, vận tải, khai thác hải sản và quốc phòng, chúng ta cần rất nhiều động cơ diezen công suất từ hàng chục đến hàng trăm, hàng ngàn mã lực. Thị trường tiêu thụ máy diezen rất lớn và lâu dài cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy nên đưa công nghiệp chế tạo động cơ diezen thành ngành công nghiệp mũi nhọn.”

Bạn đọc Hà Quyết Thắng (email thang_10@vnn.vn) nhận thấy: “Trên mọi châu lục, những nước có nền công nghiệp phát triển là những nước sở hữu ngành luyện thép chất lượng cao như: Đức, Thụy sỹ, Mỹ, Nhật; chất lượng vừa phải như : Nga, Hàn Quốc. Ngay như Trung Quốc họ cũng sở hữu một ngành luyện thép phát triển.
Theo tôi nước ta phải phát triển ngành luyện thép. Đầu tư ngành thép rất tốn kém và dài hơi, nhưng ngược lại tiền thu về cũng nhanh và bền vững.”

Lập luận của email nqt108@yahoo.com: “Nông nghiệp nước ta đang nằm trong top đầu các nước xuất khẩu gạo, thủy sản cũng rất khá. Vậy hãy đặt mục tiêu là tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp có phải là thực tế hơn không.”

Email giaotn1963@gmail.com tán thành: “Không có ngành công nghiệp mũi nhọn nào bằng ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông.”

Bạn đọc Song Nam (email dungnguyenthuy2905@gmail.com) chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng ta cần thực tế, thế giới đang trên xu hướng thiếu lương thực, VN lại là nước nông nghiệp, sao không tập trung vào công nghiệp thực phẩm? VN là bếp ăn của thế giới, điều này có khả năng hiện thực hóa hơn, lại phù hợp với xu hướng thế giới hơn.”

Bạn đọc Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com) cũng có ý kiến tương tự: Việt Nam nên tập trung vào ngành có lợi thế cạnh tranh là nông nghiệp. Tôi còn bổ sung thêm ngành công nghiệp hóa chất.”

Hướng suy nghĩ của email changialai@yahoo.com lại khác: “Cần tập trung vào khoa học tính toán, vì nó cần cho tất cả các ngành: Chế tạo máy móc cơ khí, làm robot, làm máy bay, tàu thủy, tàu ngầm, ngành y dược, xây dựng đô thị và bất động sản,v.v…

Không có khoa học tính toán thì không có phần mềm mà cũng chẳng có phần cứng, không có thiết kế mà cũng chẳng có sáng chế nào có thể cạnh tranh được. Khi không nắm giữ được cái lõi bí kíp của vấn đề thì chẳng nắm giữ được sở hữu trí tuệ, chỉ mãi mãi là làm thuê, lắp ráp, nhận chuyển giao công nghệ mà không biết họ làm cái gì bên trong mà tốt vậy?”

Cái gì làm được tốt nhất sẽ là…mũi nhọn

Theo bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) thì: “Việt Nam chỉ cần chú tâm vào 4 ngành là cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và sinh học. Tự 4 ngành này tạo ra nền tảng cho các ngành khác theo hiệu ứng lan tỏa, bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiêu dùng và khai thác tự nhiên.

Đã gọi là ngành mũi nhọn thì thi tuyển đầu vào phải là khó nhất, ra trường tìm được việc làm ngay và lương cao nhất. Có như vậy mới khuyến khích những người học giỏi vào học. Kinh doanh những ngành này phải được ưu đãi cao nhất thì mới khuyến khích người ta đầu tư.”

Bạn đọc Văn Lâm (email manh_23450@yahoo.com.vn) phụ họa: “Vấn đề quan trọng nhất chính lại là chính sách cho ngành ưu tiên cần rõ ràng minh bạch. Cụ thể cần giảm ít nhất 50% thuế lợi tức cho ngành mũi nhọn trong ít nhất là một nửa thế kỷ thì những ngành này mới có đủ thời gian phát triển công nghệ, chiếm lĩnh thị phần và công nghệ mũi nhọn mới đủ thời gian bắt rễ vào Việt Nam.”

Email andytoannguyen@gmail.com hùa theo: “Ngành cơ khí là xương sống của tất cả các ngành, tất cả sản phẩm của xã hội đều phụ thuộc và có liên quan đến ngành này. Tôi đã sống và có điều kiện làm việc trong ngành này ở nước ngoài trên 10 năm và nhận thấy rằng người VN rất có khiếu và rất xuất sắc trong những lĩnh vực này. Chính phủ và các nhà chuyên môn quan tâm ngành cơ khí tự động sớm chừng nào thì công nghệ VN phát triển nhanh chừng đó .”

Tán thành các ý kiến trên, email nmoclan@yahoo.com viết: “Tôi muốn nhấn mạnh thêm công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp. VN với điều kiện tự nhiên và dân sinh hiện nay thì trong 8 năm tới chứ 20 năm nữa vẫn cần đột phá từ ngành này: Không quá khó, không cần đầu tư quá lớn, hiệu ứng lợi ích dân sinh lan tỏa nhanh và rộng. Và chỉ cần hợp tác mạnh mẽ với Israel là có thể đảm bảo thành công.”

Ý kiến của email lela13510@yahoo.com: “Cứ mở rộng mọi cánh cửa đi, khi đó cái gì làm được tốt nhất sẽ là mũi nhọn.
Muốn làm gì thì phải chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Lấy thị trường nội địa làm điểm tựa. Là nước nông nghiệp mà cơ khí nông nghiệp, chế biến thực phẩm chẳng thấy cái gì, phụ thuộc hoàn toàn từ giống, nông cụ, chế biến thì còn làm được cái gì? Mời các bác xắn quần lội xuống ruộng mà làm, mà đồng cảm với người lao động.”

Đây là ý kiến của email hnnsoft@yahoo.com: “Chúng ta cần phải xác định mục tiêu cụ thể là gì chứ không thể chung chung được. Chẳng hạn như mục tiêu là 2015, VN là nước mạnh về CNTT, nhưng mạnh về cái gì (phần cứng, phần mềm, dịch vụ, ...). Phần cứng làm cái gì, sản xuất chip hay máy tính chắc chắn không thể cạnh tranh với Intel hay các hãng khác, phần mềm và dịch vụ cần phải xác định rõ cần làm cái gì, đối tượng nào sử dụng, đối thủ cạnh tranh của chúng ta là ai.”

Email thanhoang68@vnn.vn đề xuất: “Thiết nghĩ trong việc hoạch định phát triển kinh tế, Việt Nam cần một vị kiến trúc sư trưởng cho việc kiến thiết mở mang kinh tế, người này phải có thực quyền và một bộ máy nhân sự phù hợp để giúp việc. Nếu không có ai là người Việt Nam phù hợp cho cương vị này thì có lẽ nên thuê nước ngoài. Chúng ta chưa có vị thế gì đặc biệt với quốc tế và trong khu vực nên còn phải khiêm tốn dài dài.”

Ý kiến của email trannam2007@gmail.com: “Theo tôi nên chọn những ngành nghề gì mà người dân Việt Nam hiện nay và sau này có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm dịch vụ nhiều nhất làm xuất phát điểm. Sức mua trong nước sẽ luôn là ‘bà đỡ’, là ‘cái nôi’ cho các sản phẩm dịch vụ của ngành. Làm chủ được thị trường trong nước thì mới tiến vững ra thị trường nước ngoài.”

“Các ngành công nghệ cao nước ngoài họ chiếm lĩnh hết rồi, có cố mấy đi nữa cũng chẳng bằng ai! Thôi thì coi ngành nào thế mạnh trước giờ thì làm và đẩy mạnh nó như: May mặc, nông- ngư nghiệp và du lịch”, đó là ý kiến của email camautown@yahoo.com.


Ban Bạn đọc