Có thể bạn không nhận ra nhưng tất cả các smartphone cao cấp ra mắt trong năm 2018 đều được trang bị hai mặt kính. Nghĩa là dù bạn có thích điều này hay không, những chiếc smartphone bạn mới mua sẽ trở nên dễ vỡ hơn bao giờ hết - ngay cả khi nó được trang bị những loại kính hiện đại nhất.
Công ty chuyên về bảo hiểm thiết bị di động, SquareTrade, đã thực hiện các bài kiểm tra độ bền trên các điện thoại cao cấp mới ra mắt và dựa trên mức độ dễ nứt vỡ và chi phí sửa chữa, báo cáo này thiết lập nên bảng chỉ số nứt vỡ cho các thiết bị này.
Trong năm 2017, Samsung gần như là người khởi xướng cho xu hướng thiết kế hai mặt kính trên smartphone với bộ đôi Galaxy S8 và S8+. Những thiết bị này đã lập kỷ lục cho các smartphone kém bền nhất từng được kiểm tra, với điểm số chỉ 76 và 77 (điểm số cao hơn nghĩa là dễ vỡ hơn). Kỷ lục đứng vững cho đến mùa thu năm đó, khi iPhone 8 và iPhone X ra mắt và đánh bại nó với mức điểm còn cao hơn nữa, 90 điểm.
Quả thật, bộ đôi Galaxy S8 và S8+ đã làm nên đột phá về thiết kế với mặt kính trơn nhẵn. Trong quá khứ, điện thoại luôn có ít nhất một đường viền ở các cạnh bên để bảo vệ lớp kính, nhưng Samsung sử dụng lớp kính cong bao quanh các cạnh đó, vì vậy khi xảy ra va chạm, lớp kính cạnh màn hình là bề mặt tiếp xúc trực tiếp với va chạm đó.
Hậu quả là trên các trang bán điện thoại đã qua sử dụng, bạn sẽ thấy rất nhiều người rao bán bộ đôi này với giá rất rẻ do màn hình bị nứt vỡ. Hãy thử nhìn vào chiếc LG V10 ra mắt vào cuối năm 2015 – một smartphone gần như toàn màn hình vào thời điểm đó với các cạnh viền rất mỏng và không còn nút bấm nào phía trước.
Nó được trang bị hai viền bằng thép rộng khoảng 3mm mỗi bên để bảo vệ lớp kính và điện thoại. Khi bạn nhỡ tay làm rơi, bạn sẽ không phải quá lo lắng về việc nó sẽ bị nứt vỡ. Mặt lưng V10 vẫn được làm bằng nhựa hiện đại với bề mặt bằng cao su – do vậy bạn sẽ khó đánh rơi nó hơn so với những chiếc iPhone hay Galaxy S ra mắt gần đây.
Tại sao những chiếc smartphone bền bỉ như vậy không còn được tạo ra nữa?
Các vấn đề về công nghệ
Dù gặp phải nhiều lời phàn nàn, nhưng thiết kế pin liền không làm giảm tuổi thọ điện thoại như những lo ngại của người dùng. Trên thực tế, nó còn giúp thiết bị của bạn dễ đạt được chỉ số IP67 hơn – nghĩa là nước sẽ không lọt được vào máy, ngay cả khi chìm trong nước một thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp gia tăng độ bền hay tuổi thọ thiết bị. Tuy nhiên, đổi lại, bạn sẽ không còn khả năng thay pin nhanh nữa.
Nhưng tại sao các nhà sản xuất lại chọn kính? Cho dù nó là một lựa chọn tồi, nhưng có một nguyên nhân kỹ thuật đằng sau nó. Phần lớn các điện thoại hiện đều hỗ trợ sạc không dây chuẩn Qi. Nguyên lý của sạc không dây là dùng từ trường biến đổi để truyền năng lượng không dây – một nguyên lý tương tự như chiếc bếp từ sử dụng trong gia đình vậy – điện từ trường biến đổi sẽ làm nóng bề mặt kim loại của nồi hoặc chảo.
Điều đó nghĩa là nếu sử dụng kim loại (ví dụ thép) làm mặt lưng điện thoại hoặc có bất kỳ kim loại nào ở gần mặt lưng khi đang sạc không dây, nó có thể nóng lên rất nhanh (tùy thuộc vào đặc tính mỗi kim loại). Cho dù không đủ làm sôi nước, nó cũng đủ để làm nóng chảy nhựa, phá hỏng các microchip của bản mạch, …
Không những vậy, về cơ bản, chuẩn Qi còn được gọi là sạc cảm ứng cộng hưởng. Nghĩa là năng lượng chỉ được truyền qua khi một ăng ten với đúng tần số cộng hưởng mới bắt được từ trường biến đổi từ tấm sạc. Điều này sẽ buộc phải có một khoảng trống nhỏ giữa ăng ten phát năng lượng và ăng ten thu năng lượng đều bằng kim loại.
Thế là lại thêm một lý do khác cho việc từ bỏ kim loại cho mặt lưng điện thoại.
Nguyên nhân từ kinh doanh
Điều quan trọng là mặt lưng bằng kính ngăn bạn mua điện thoại không? Có lẽ câu trả lời là "Không". Dù có nhiều người đã từ chối mua vì khả năng nứt vỡ rõ ràng của một chiếc điện thoại hai mặt kính, nhưng cũng không thể phủ nhận tính thẩm mỹ tuyệt đẹp của chúng, và số người lựa chọn cái ĐẸP còn nhiều hơn.
Hiện tại, smartphone gần như là sản phẩm duy nhất vẫn đang được người dùng đổ các khoản tiền điên rồ vào chúng sau mỗi một hoặc hai năm. Tính thẩm mỹ chính là một trong các yếu tố phải có để thúc đẩy người dùng nhanh móc hầu bao hơn. Tất nhiên các nhà sản xuất điện thoại thích điều đó.
Một lợi ích ẩn giấu của việc biến hai mặt kính thành xu hướng chủ đạo là chi phí sửa chữa đắt đỏ của nó. Với tỷ lệ thiết bị rơi vỡ hợp lý và khi đem sửa chữa, chúng sẽ mang lại lợi nhuận gia tăng cho các nhà sản xuất điện thoại. Nhưng nếu lượng thiết bị cần sửa chữa cao đến mức bất thường so với cả ngành, chúng có thể trở thành trách nhiệm pháp lý.
Ngoài ra chi phí sửa chữa cao còn kéo theo một hệ quả khác: bảo hiểm điện thoại. Trước đây các nhà mạng thường ký hợp đồng với một công ty bảo hiểm điện thoại (như hãng SquareTrade ở trên) để chi trả cho điện thoại bị mất hay hư hỏng. Nhưng khi điện thoại ngày càng dễ vỡ hơn, giá của chúng cũng đắt đỏ hơn, vì vậy, phí bảo hiểm cho nó cũng trở thành một số tiền lớn. Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất lớn đều cung cấp gói bảo hiểm.
Ví dụ, gói Apple Care+ đảm bảo sửa chữa cho bạn hai lần trong hai năm, với gói 29 USD cho màn hình và 99 USD cho bất kỳ bộ phận, bao gồm cả mặt lưng bằng kính. Có nghĩa là 199 USD cho hai năm, hay 299 USD cho cả việc mất trộm và thất lạc.
Gói bảo hiểm 199 USD cho chiếc điện thoại 999 USD không phải số tiền lớn, nhưng có nghĩa điện thoại của bạn sẽ đắt thêm 20% nữa. Gần như chắc chắn bạn sẽ không làm thế nếu bạn biết rằng chiếc điện thoại của mình không dễ vỡ đến vậy. Samsung cũng có chính sách bảo hiểm tương tự như vậy không lâu sau khi họ ra mắt điện thoại với thiết kế hai mặt kính. Vì vậy, làm điện thoại dễ vỡ hơn sẽ giúp bán được các gói bảo hiểm dễ dàng hơn.
Những chiếc điện thoại "trâu bò"
Bất chấp các nguyên nhân kể trên, việc tạo nên những chiếc điện thoại dễ vỡ như hiện nay vẫn hoàn toàn là một quyết định về thiết kế. Những chiếc điện thoại bây giờ dễ vỡ hơn bởi vì chúng được thiết kế để trở nên dễ vỡ hơn. Các kỹ sư, những nhà thiết kế công nghiệp đều là những con người thông minh – họ không hề nhầm lẫn về tính mỏng manh của những điện thoại hai mặt kính.
Họ hoàn toàn có thể làm nên những chiếc điện thoại bền bỉ nếu muốn, Một ví dụ rõ ràng cho điều này là chiếc Samsung Galaxy S8 Active. Về cơ bản, nó chính là chiếc Galaxy S8, nhưng với mặt lưng bằng nhựa hiện đại, có thể bền hơn cả nhôm hoặc thậm chí thép. Nó có thể chống va đập và giúp điện thoại của bạn sống sót ngay cả khi không có ốp lưng.
Thông thường, Samsung sẽ ra mắt một phiên bản Active chỉ vài tháng sau khi chiếc flagship tiêu chuẩn của mình ra mắt, nhưng có vẻ họ đã bỏ rơi chiến thuật này khi đến bây giờ, vẫn chẳng một chiếc Galaxy S9 Active nào được ra mắt cả.
Theo GenK