Trước trận bán kết với Thái Lan, tờ Malaymail đưa tin Liên đoàn bóng đá Malaysia cũng mở bán vé tại sân vận động lớn nhất Đông Nam Á là Bukit Jalil với 87.000 chỗ ngồi. Theo đó, 80.000 vé được tuyên bố bán ra từ ngày 29/11, gồm một nửa dành bán online, 30.000 vé bán ra tại sân và 10.000 vé được bán tại cửa hàng của một số nhà tài trợ.
Trước đó một ngày, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng mở bán vé đường online trận bán kết lượt về Việt Nam - Philippines nhưng với lượng vé khiêm tốn hơn nhiều. Trong thông cáo, VFF cho biết bán ra khoảng 40-50% số vé, tức chưa đầy 20.000 vé (trong khi sức chứa sân trên 40.000 chỗ). Nhiều người thắc mắc số vé còn lại đang ở đâu, được VFF quản lý như thế nào.
Dùng để "ngoại giao"?
Nếu so sánh cách mà Liên đoàn bóng đá Malaysia bán vé cho người hâm hộ thì khác hẳn với VFF. Malaysia bán đến 90% tổng lượng vé cho người hâm mộ, trong khi VFF tuyên bố bán chưa đầy 50%. Con số thực tế đến tay người hâm mộ chưa được kiểm chứng.
Tại trận đấu vòng bảng giữa Việt Nam và Malaysia, VFF dành 3.400 vé cho cổ động viên đội khách, 4.000 vé mời (trong đó 2.000 vé phân phối cho AFF), 8.600 vé cho nhà tài trợ, các cầu thủ và các bên liên quan. Chỉ còn khoảng 24.000 ghế ngồi dành cho các cổ động viên đội nhà.
Đến trận đấu Việt Nam - Philippines, con số bán online được công bố khoảng 40-50% lượng vé. Điều này đồng nghĩa với 50-60% số vé còn lại người hâm mộ không rõ đang ở đâu và sẽ được VFF phân phối thế nào.
Theo VFF này, với số lượng vé còn lại, cơ quan này phân phối cho ban tổ chức và nhà tài trợ AFF Cup 2018, các nhà tài trợ đội tuyển, CĐV và cầu thủ cũng như CLB đóng góp cầu thủ. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về những nhóm được nhận vé mời là ai, số lượng bao nhiêu và quyền lợi đổi lại là gì không được công bố.
SVĐ Mỹ Đình có hơn 40.000 chỗ ngồi, nhưng chỉ khoảng gần 20.000 chỗ được bán ra. Ảnh: L. Hà. |
Chuyên gia về sự kiện và truyền thông Phạm Vũ Tùng, người có nhiều năm tổ chức các sự kiện lớn, cho rằng không loại trừ việc VFF dành một phần lớn số vé để tặng có các nhà tài trợ, đổi lấy một quyền lợi.
Bà Đỗ Huyền Trang, Công ty tổ chức sự kiện Max Media, cho rằng các sự kiện thường dành một số lượng vé nhất định để phục vụ cho công tác “ngoại giao” là chuyện rất bình thường. Nghĩa là ban tổ chức sẽ dành một số phần vé tặng cho các đối tác, các nhà tài trợ để đổi lấy một quyền lợi nào đó.
Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh số lượng vé dành cho các nhà tài trợ, công tác “ngoại giao” thường chiếm số lượng rất ít, hiếm có khi nào lên đến con số 50%, trừ khi là các hoạt động được tài trợ một phần kinh phí rất lớn.
Trả tiền mà không biết mình mua vị trí nào
Tại các sự kiện bán vé như ca nhạc, biểu diễn thời trang, mua vé tàu… khách hàng đặt vé trực tuyến thường được chọn chỗ, chọn khu vực khán đài phù hợp với nhu cầu của mình. Ban tổ chức cũng công bố giá bán cho từng vị trí cụ thể để khách hàng dễ lựa chọn.
VFF mở bán vé online lại khác. Cơ quan này chỉ quy định mức giá 200.000-500.000 đồng/vé tùy từng khu vực, không thông báo cụ thể từng khu vực chỗ ngồi, khán đài, giá vé là bao nhiêu.
Khi người hâm mộ vào trang đặt vé của VFF, chỉ nhận được thông báo số lượng vé, giá vé theo từng mức rồi thanh toán, không có bước chọn chỗ cụ thể.
Anh Thành Long (Lào Cai) cho biết mình đã đặt thành công 4 vé giá 500.000 đồng/vé. Tuy nhiên, anh hoang mang không biết mình sẽ được vé ở khán đài A hay B, tầng 1 hay tầng 2. Anh cho rằng đây là kiểu bán vé online thiếu chuyên nghiệp, người tiêu dùng chỉ trả tiền mà không biết mình nhận được món hàng như thế nào.
Thông thường khán giả khi đặt chỗ thường được chọn giá tiền và chỗ ngồi cụ thể. Ảnh minh họa. |
“Mấy hôm nữa ban tổ chức gửi vé chỗ nào thì tôi phải chấp nhận ngồi chỗ đó, không biết mình sẽ ngồi đâu dù đã mất tiền mua loại vé giá cao nhất”, anh Long nói.
Sự không minh bạch trong việc chọn chỗ khiến trên nhiều diễn đàn, người dân lo ngại những chỗ ngồi đẹp nhất đã dành cho vé mời, ngoại giao. Nhiều người đặt giả thiết gần 20.000 vé bán online chỉ là khán đài như C và D, hoặc mép ngoài của khán đài A và B.
Dẫn lại trận Việt Nam - Malaysia, người hâm mộ cho biết họ được phe vé chào giá với lượng dồi dào vị trí đẹp ở khán đài A và B trong khi những người mua vé trực tiếp hoặc mua qua đường công văn lại không có may mắn ấy.
Hơn nữa, theo bà Đỗ Huyền Trang, việc phân chia các mức giá hiện nay chưa thật hợp lý, và phù hợp với các nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Có nhóm khách hàng phổ thông, nhưng cũng có khách sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn rất nhiều để có chỗ ngồi thơm tho, sạch sẽ, được phục vụ nước uống, khăn lạnh… Để làm được điều này thì hạ tầng và chất lượng dịch vụ phải đồng bộ. Ngoài ra, bản thân người tổ chức sự kiện có thực sự muốn có sự thay đổi hay không.
Bà Trang cho rằng các trận bóng đá cũng rất cần áp dụng phương pháp này, tránh đánh đồng, đại trà hóa sản phẩm.
Hiện tại sân Mỹ Đình cũng có khu vực VIP nằm ở tầng 3 khán đài A với 22 phòng VIP và một phòng chủ tịch. VFF được sử dụng 15/22 phòng, còn lại do Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sở hữu. Mỗi phòng VIP rộng 30-4 0m2, có nhà vệ sinh khép kín. Bên trong phòng có thức ăn, rượu vang, nhân viên phục vụ... Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ cũng thắc mắc việc bán vé cho những phòng VIP này không hề được VFF công khai.
Ở Anh, sân Old Trafford chào giá 75.000 bảng Anh (khoảng 2,3 tỷ đồng) cho một phòng VIP 8 người xem 19 trận bóng đá. Tính trung bình, mỗi trận đấu là có giá 120 triệu cho 8 người, mỗi người trả khoảng 15 triệu đồng/vé. Tuy nhiên, số lượng phòng này liên tục cung không đủ cầu.
Một phòng VIP tại sân Old Trafford. Ảnh: Jingyi Zhao. |
Phục vụ ai?
Chuyên gia về sự kiện và truyền thông Phạm Vũ Tùng cho rằng tại các sự kiện, việc dành vé cho nhà tài trợ là việc khá phổ biến. Tuy nhiên, cần làm rõ tính chất của sự kiện để có cơ chế phân phối vé cho hợp lý giữa nhà tài trợ và cộng đồng.
“Cần phân biệt rõ sự kiện nào phục vụ cộng đồng, sự kiện nào là giải trí. Một sự kiện thời trang thì khó có thể phục vụ cộng đồng, nhưng một sự kiện bóng đá lại khác”, ông nói.
Nếu đây được coi là phục vụ cộng đồng thì tiêu chí phục vụ người hâm mộ, khán giả phải đặt lên trước.
“Đội bóng là của ai? Là của quốc gia. Chính đất nước và người dân đầu tư cho đội bóng, nên các sự kiện như thế này phải phục vụ cộng đồng”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia cho rằng việc bán vé của VFF cần công khai, minh bạch, nghiêng về cộng đồng. Ảnh: NVCC. |
Ông Phạm Vũ Tùng cũng nêu quan điểm rằng VFF khi ký kết các bản hợp đồng tài trợ thì vẫn nên đặt quyền lợi của người hâm mộ, cộng đồng lên trên hết. Các nhà tài trợ có thể được hưởng quyền lợi qua quảng cáo trên áo đấu, các hoạt động quảng bá, sự kiện bên lề... Quyền lợi về vé có thể có nhưng phải là tối thiểu so với đa số phục vụ cộng đồng.
“Khó có ranh giới để nói VFF lũng đoạn vé cho nhà tài trợ hay không. Tuy nhiên, cần phải minh bạch, giám sát số lượng vé cho các nhà tài trợ, cũng như điều khoản cam kết”, ông nói.
Nhắc lại việc VFF là một tổ chức xã hội, do đó ông Tùng khẳng định phải hoạt động nghiêng về cộng đồng nhiều hơn, chứ không thể nghiêng về các nhà tài trợ. Số lượng vé bán ra cho cộng đồng đang quá thấp so với thực tế khiến lòng tin của nhiều người hâm mộ bị lung lay.