Những năm gần đây, một số trường tổ chức hoặc liên kết tổ chức các buổi học kỹ năng sống do diễn giả diễn thuyết và khiến không ít học trò rơi nước mắt. Hình ảnh học sinh ôm nhau khóc ròng dấy lên nhiều tranh cãi. Không ít người cho rằng các tiết học đã đem lại hiệu quả khi tác động vào cảm xúc, đánh thức trách nhiệm và ý thức học trò từ đó dẫn đến thay đổi hành vi. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, việc thay đổi tính cách, thói quen của một con người không thể "một sớm, một chiều" như vậy.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hoa - Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cùng với tri thức, bồi dưỡng lòng biết ơn chính là hành trang để học sinh rèn luyện, vững bước trưởng thành, sau này là những công dân có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt. Chính vì thế, giáo dục lòng biết ơn luôn là nội dung được chú trọng trong nhà trường.
Có nhiều phương pháp giáo dục kỹ năng sống. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi thường lồng ghép nội dung kỹ năng sống với chủ đề đa dạng vào các môn học. Ví dụ, giáo dục lòng biết ơn, lòng hiếu thảo qua tiết học Đạo đức, Tiếng Việt... hay các bài tập đọc với câu chuyện liên quan đến bố mẹ, thầy cô cũng là cách dần thay đổi suy nghĩ tới hành động của học sinh.
“Gần đây, một số cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục kỹ năng sống bằng cách mời chuyên gia tới nói chuyện. Thông thường nghe những câu chuyện đó, các bạn thấy cảm động, cũng có thể khóc, tôi nghĩ phần nào do ít nhiều chạm tới cảm xúc của học sinh nhưng có hiệu quả hay không cần thời gian dài đánh giá, thẩm thấu dần dần chứ không phải một câu chuyện tại thời điểm đó thay đổi được học sinh ngay”, cô Hoa chia sẻ.
Cũng theo cô Hoa, rèn một kỹ năng phải lặp đi lặp lại nhiều lần. “Ở trường tôi, tháng 12/2024 nhà trường mời các chú bộ đội tới chia sẻ với học sinh về ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các em được trải nghiệm đóng vai các chú bộ đội, biết thế nào là yêu và bảo vệ tổ quốc. Tôi nghĩ rằng, một buổi nói chuyện chỉ là lát cắt trong lộ trình rèn luyện cho học sinh chứ không nên kỳ vọng biến các con chưa ngoan thành ngoan... Giáo dục là hành trình dài, không phải một ngày có thể thay đổi ngay”, cô Hoa nói.
Chị Lê Thị Thu Trang - phụ huynh tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho hay: “Giữa học kỳ 1, trường con tôi có buổi giáo dục kỹ năng sống, cô giáo ghi lại hình ảnh trong nhóm lớp, thấy nhiều bạn xúc động khóc ròng. Bản thân con tôi tối hôm ấy về cũng ôm mẹ, nói thương mẹ và hứa chăm chỉ học hành hơn. Tuy nhiên, con chỉ thay đổi khoảng 1 tuần, sau đó quên luôn bức thư gửi cho mẹ, về những cái ôm và lời hứa sẽ chăm chỉ”.
Bà Nguyễn Thị Nga - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng cho biết, tháng 10/2024 nhà trường tổ chức giáo dục kỹ năng sống với chủ đề “Văn hóa học đường và lòng biết ơn”.
Theo bà, những câu chuyện nhỏ nhưng thấm đẫm cảm xúc chuyên gia chia sẻ hôm đó tác động phần nào tới tâm lý từng học sinh khiến các em suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, với xã hội. Từ đây, các em có những giây phút sâu lắng để suy ngẫm về lòng biết ơn cũng như tình cảm với cha mẹ.
Cũng trong chương trình, học sinh được viết cảm xúc, nỗi niềm của mình qua những trang thư. Có em bày tỏ lòng cảm ơn tới bố mẹ vì công sinh thành, có em gửi lời xin lỗi và hứa thay đổi bản thân, có em thể hiện sự biết ơn đối với thầy cô giáo cùng lời hứa cố gắng học tập tốt hơn.
"Những hoạt động trong chương trình phần nào đánh thức cảm xúc tích cực, tạo tiền đề để học sinh thay đổi, biết quan tâm, giúp đỡ, tự giác, cố gắng học tập, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô và không từ bỏ những ước mơ, hoài bão của mình”, bà Nga chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà, nhà trường không kỳ vọng một buổi nói chuyện với chuyên gia sẽ làm học sinh thức tỉnh và thay đổi ngay, sự tiến bộ phải trong cả một quá trình, dần dần từ suy nghĩ đến hành động. Buổi nói chuyện về lòng biết ơn nằm trong kế hoạch giáo dục kỹ năng sống của nhà trường, và nội dung này còn được lồng ghép trong chương trình môn học.