Điều kiện thuận lợi ngày càng gia tăng
Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 6.877 km2, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Đăk Nông, Tây Ninh và Vương Quốc Campuchia, cách thành phố Hồ Chí Minh 110 km.
Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 01 trong 8 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Đất đai Bình Phước màu mỡ, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho trồng các cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình Phước là thủ phủ của cả nước về cây Cao Su và cây Điều, với diện tích Cao Su 247.000 ha và diện tích Điều là 141.595 ha. Với lợi thế quỹ đất nông nghiệp, tỉnh có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến Bình Phước đầu tư, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có vị thế chiến lược, thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất công nghiệp. Bình Phước có 15 KCN đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 12 KCN đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 68% (còn 3 KCN đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng); trong đó, có Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (2.450 ha), tỷ lệ lấp đầy 11,6% và khu công nghiệp Minh Hưng - Sikiko diện tích 655 ha, tỷ lệ lấp đầy 39,7%. Đây là hai khu công nghiệp mới, có quy mô diện tích khá lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và giao thông đi lại thuận tiện, rất thích hợp cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho mở rộng 3 KCN với diện tích 1.375 ha (KCN Bắc Đồng Phú 317 ha; KCN Nam Đồng Phú 480 ha; KCN Minh Hưng III là 578 ha) sẽ hoàn thiện trong năm 2023; có khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.000 ha sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại, tỉnh có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, 14, ĐT.741 thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường cao tốc Chơn Thành - Đăk Nông, đường ĐT753 và Cầu Mã Đà nâng cấp thành quốc lộ để kết nối với sân bay quốc tế Long Thành tỉnh Đồng Nai và cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển đến cảng biển, cảng hàng không, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đang khẩn trương triển khai. Tương lai có đường sắt xuyên Á, hứa hẹn tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhìn về tương lai, Bình Phước có điều kiện thuận lợi ngày càng gia tăng cho sự phát triển của tỉnh và cả vùng.
Hướng tới trung tâm công nghiệp hiện đại
Vừa mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/01/2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Nghị quyết, quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới.
Phát huy các lợi thế chiến lược (đất đai và vị trí địa lý) trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa tỉnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sự lan tỏa của địa phương kết nối với Tây Nguyên. Phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển cho vùng phía Nam: thành phố Đồng Xoài - huyện Đồng Phú - thị xã Chơn Thành.
Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đà để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và là yếu tố then chốt để phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế; tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý để khai thác hiệu quả lợi thế vị trí của Bình Phước trong vùng kinh tế Đông Nam bộ và chuyển tiếp Tây Nguyên.
Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, góp phần vào việc hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã được xác định cho cả nước.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Bình Phước đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,5%; giai đoạn 2031 - 2050 đạt 8 - 9%.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%. Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.
GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 106 triệu đồng (4.600 USD); năm 2030 đạt 180 triệu đồng (7.500 USD); đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7%/năm.
Thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 là 600 nghìn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 210 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 390 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD; đến năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%, đến năm 2030 đạt 50%; đến năm 2050 đạt 75 - 80%; số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021 - 2030 là 15.000 doanh nghiệp. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35; đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước.
Khách du lịch đến năm 2025 đạt 02 triệu lượt khách; năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt khách.
Những điểm tựa quan trọng
Để đạt được các mục tiêu đó, tỉnh chủ trương tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục khẳng định huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030.
Sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung đầu tư, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng tâm, trọng điểm có tính lan toả và kết nối, liên kết vùng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu biện pháp tài chính theo quy định của pháp luật.
Rà soát, đánh giá lại các nguồn thu nhằm xác định rõ những nguồn thu không ổn định, nguồn thu còn thất thu và nguồn thu còn tiềm năng; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới.
Tăng cường công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận giá; đẩy mạnh công tác quản lý và tập trung thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh.
Phước Long