Kinh tế - xã hội càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều loại tội phạm tinh vi, nguy hiểm. Tội phạm rửa tiền là một trong những loại tội phạm đó. 

Theo ghi nhận từ các cơ quan chức năng, một số phương thức, thủ đoạn rửa tiền thường được đối tượng phạm tội áp dụng như: chia nhỏ số tiền mặt do phạm tội mà có với số lượng dưới mức giá trị của “giao dịch có giá trị lớn” để chuyển vào tài khoản mở tại ngân hàng; thông qua các giao dịch thương mại để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài hoặc để hợp hóa tài sản bất hợp pháp trong nước hoặc nước ngoài; sử dụng hệ thống chuyển tiền thay thế (hệ thống ngân hàng “ngầm”); rửa tiền thông qua mua tiền ảo trong các game trực tuyến; đánh bạc trên mạng internet, rồi dùng tiền ảo quy đổi ra tiền thật có mất phí, hoặc sử dụng tiền ảo cho các giao dịch…

Thậm chí, tội phạm rửa tiền còn lập các hợp đồng giao dịch khống để tạo thu nhập hợp pháp cho tiền do phạm tội mà có; sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên người khác để rửa tiền; sử dụng chứng minh thư giả, sim rác điện thoại đăng ký mở tài khoản ngân hàng, mua hoặc thuê tài khoản, mua thẻ thanh toán ngân hàng (loại thẻ ghi nợ Debit Card: ATM, Visa Debit và Master Debit) để thực hiện rút tiền, chuyển tiền (do phạm tội mà có) vào các tài khoản khác theo hướng dẫn của các đối tượng phạm tội; rửa tiền thông qua các hoạt động casino hoặc vui chơi giải trí có thưởng...  

Hệ lụy từ tội phạm rửa tiền đối với nền kinh tế là rất nghiêm trọng và là vấn đề nhức nhối hiện nay của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, tội phạm này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia và gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế bằng những thủ đoạn tinh vi để hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm thành tiền và tài sản hợp pháp.

Thị trường tài chính – tiền tệ được nhận định có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công và gây bất ổn. Hoạt động rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi quan hệ thương mại với nước ngoài phụ thuộc vào ngoại tệ. Nguy hiểm hơn, tình trạng này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn thậm chí là lệch lạc.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Với Việt Nam, phòng chống rửa tiền còn là một trong những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến công cuộc phòng, chống tham nhũng - một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo. 

Bởi vậy, phòng, chống tội phạm rửa tiền là một vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, giúp ngăn chặn những tội phạm cơ bản như: tham nhũng, buôn bán ma túy, buôn người, thao túng thị trường, gian lận trốn thuế… Do đó, hợp tác quốc tế về những nội dung này là rất cấp thiết.

Trong những năm gần đây, Việt Nam quan tâm và mong muốn học hỏi kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống rửa tiền nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố và tăng cường hoạt động phòng, chống rửa tiền đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

Nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng, năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 03 năm 2023. 

Đây là một khởi đầu quan trọng nhằm củng cố hệ thống phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam trong những năm tới. 

Lê Tiến Dũng, Hà Lệ Yên