Xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang có tổng diện tích đất tự nhiên 6.541,39 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp 565,14 ha, đất lâm nghiệp 5.485,4 ha, đất nuôi trồng thủy sản 54,39 ha, đất phi nông nghiệp 338,20 ha, đất chưa sử dụng 7,26 ha. Xã có 12 thôn, tổng số 1.411 hộ với 6.121 nhân khẩu; đồng bào dân tộc chiếm khoảng 87%.

Trước năm 2011, xã Hùng Mỹ có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp. Đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 61%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 6,5 triệu đồng/người/năm. 

Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể.

Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng còn kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân mang tính tự phát và nhiều hạn chế; kinh doanh và dịch vụ chưa phát triển.

Thời điểm cuối năm 2021, trước khi được bổ sung vào Kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2025, xã Hùng Mỹ mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí; còn 8 tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sát sao, kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, từ năm 2022, UBND xã Hùng Mỹ đã sử dụng lồng ghép các ngồn vốn của nhiều chương trình, dự án để xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới.

Đảng ủy xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, ban hành triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vận dụng các cơ chế chính sách, lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". 

Đặc biệt, xã chú trọng các chỉ tiêu, tiêu chí do nhân dân thực hiện. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, mọi khoản đóng góp, quyền lợi và nghĩa vụ phải được công khai, minh bạch.

Điển hình như việc tổ chức vận động thành công nhân dân tham gia đóng góp xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn Hùng Dũng và Hùng Mỹ.

Để hoàn thiện Tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa, thực hiện kế hoạch vốn năm 2022, UBND xã Hùng Mỹ được giao làm chủ đầu tư 2 nhà văn hóa thôn, thực hiện theo cơ chế đặc thù vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt tại Quyết định số 566/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND huyện Chiêm Hóa.

Ngay sau khi có quyết định phân bổ vốn đầu tư, UBND xã đã thành lập Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn, triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng nhà văn hóa 2 thôn Hùng Dũng và Hùng Tiến theo cơ chế đặc thù. 

Ban Phát triển hai thôn đã tổ chức họp thôn triển khai kế hoạch, phương án đầu tư xây dựng và thống nhất lựa chọn mẫu thiết kế nhà văn hóa thôn của Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang để thực hiện đầu tư xây dựng, với diện tích 300 m2, 180 chỗ ngồi.

Ban Quản lý xã và Ban Phát triển thôn đã tổ chức lập dự toán xây dựng theo hồ sơ thiết kế mẫu trình UBND xã thẩm định và phê duyệt, giá trị dự toán xây dựng trên 670 triệu đồng/nhà văn hóa. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà văn hóa, còn lại 370 triệu đồng nhân dân đóng góp.

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng thôn và những người có uy tín của thôn đã phối hợp vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng với mức đóng góp là 2.300.000 - 2.800.000 đồng/hộ.

Hiện, nhân dân đã đóng góp kinh phí đạt 60% và các thôn đang tiếp tục vận động. Sau hơn 2 tháng tổ chức thi công, 2 nhà văn hóa thôn đã hoàn thành với tiến độ xây dựng đạt 95%.

Sau thời gian ngắn triển khai quyết liệt các giải pháp, xã Hùng Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng tốc, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023. 

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Hùng Mỹ đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Việc thực hiện chương trình đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của xã đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều hệ thống nước sạch cũng như việc xử lý chất thải đã hoạt động có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề đã đạt được hiệu quả nhất định.

Thành quả này là minh chứng sức mạnh đại đoàn kết, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của người dân, dựa vào sức dân để xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ánh Tuyết, và nhóm PV, BTV