Dưới đây là chia sẻ của ông về vấn đề này:
Hãy tưởng tượng về những tia nắng lấp lánh trên ruộng bậc thang hay những cơn gió dập dìu trên những cánh đồng lúa chín vàng, ở đó du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành của các điểm đến, không chỉ có ở Sa Pa mà ở khắp Việt Nam.
Việt Nam đang tiên phong và nỗ lực mạnh mẽ với các sáng kiến hướng tới du lịch bền vững, du lịch được xác định là ngành công nghiệp quan trọng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) đã đề ra lộ trình phát triển cho thập kỷ tới, nhấn mạnh cam kết của mình về tái thiết kế du lịch và bảo vệ môi trường.
Du lịch thân thiện với môi trường không còn chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành một phong trào tác động đáng kể đến kinh tế. Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Malaysia, việc bảo vệ rừng và biển Đông Nam Á có thể thu được lợi ích trị giá lên đến hơn 2,19 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận kinh tế chỉ là một trong các khía cạnh của du lịch bền vững. Ở cấp độ địa phương, người dân cũng có thể được hưởng lợi từ việc cung cấp những trải nghiệm du lịch độc đáo, gần gũi với thiên nhiên. Điều này cũng tạo động lực để phát triển cơ sở hạ tầng liên quan để hỗ trợ người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Với động lực đó, Việt Nam có thể định vị mình là “ngôi sao phương Bắc” trong khu vực về du lịch bền vững, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Du lịch bền vững - động lực tăng trưởng kinh tế
Trước đại dịch, du lịch chiếm 9,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam và chiếm khoảng 5% lực lượng lao động. Con số này thể hiện, ngành du lịch như một trụ cột kinh tế quan trọng, vì vậy, khôi phục ngành du lịch sẽ phụ thuộc lớn vào mức độ Việt Nam có thể thích ứng với các xu hướng bền vững mới như thế nào.
Nhiều du khách hiện nay có quan điểm “đi du lịch xanh, hoặc ở nhà” (“Go Green, or Go Home”). Họ tìm kiếm những điểm đến ưu tiên tính bền vững, để giảm lượng khí thải carbon trong khi vẫn có thể giải tỏa được cơn khát du lịch. Đáp ứng tiêu chí này có thể kể đến đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam, nơi chính quyền đang phát triển các chương trình du lịch sinh thái để bảo tồn bờ biển hoang sơ, bình dị.
Việt Nam có thể khai thác cơ hội vàng này để tạo ra các nguồn doanh thu đa dạng trong chuỗi giá trị. Từ việc sản xuất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng đặc trưng ở mỗi địa phương, đến đầu tư vào các khách sạn sinh thái hay giao thông xanh, thương mại liên ngành, như vậy sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà du lịch bền vững chính là trọng tâm.
Sẽ có nhiều thay đổi khi người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm và thương hiệu cam kết bền vững. Khoảng 30% du khách Việt Nam sẵn sàng chi cả tháng lương cho các lựa chọn du lịch bền vững - tỷ lệ này cao nhất ở Đông Nam Á.
Đây là một tin vui cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Việt Nam, là những doanh nghiệp đã đóng góp tới 70% GDP và 80% tổng việc làm vào năm 2020. Là “xương sống” của toàn nền kinh tế, các doanh nghiệp này có thể đóng vai trò quyết định trong việc hướng tới tăng trưởng dài hạn.
Các mô hình kinh doanh bền vững chính là tương lai của nền kinh tế. Với doanh thu ngành du lịch Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 60% so với năm 2019, thách thức được đặt ra ở đây là duy trì và phát triển các điểm đến hấp dẫn, cùng với việc đáp ứng mong muốn của du khách về những chuyến đi thân thiện với môi trường.
Môi trường sinh thái cải thiện chất lượng cuộc sống
Nâng cao mức sống của người dân là yếu tố thường bị bỏ qua trong quá trình phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có 70% dân số sinh sống khu vực nông thôn, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và lao động phổ thông.
Du lịch ở các vùng nông thôn có thể giúp tăng cơ hội việc làm tại chỗ, tạo ra việc làm ổn định với mức lương cao hơn. Chẳng hạn, người dân địa phương có thể trở thành những người hướng dẫn viên hoàn hảo cho du khách muốn khám phá văn hóa từng vùng, miền của Việt Nam mà không gây tổn hại đến môi trường. Điều này vừa thúc đẩy tạo ra một lượng khách liên tục vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân bản địa.
Ở tầm vĩ mô, phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn phát triển hơn, chẳng hạn như việc phát triển hệ thống đường bê tông hay mạng lưới viễn thông mạnh mẽ. Đây cũng là cách tiếp cận lấy khách du lịch làm trung tâm để mang lại lợi ích cho người dân.
Để thực hành sáng kiến bền vững, các nền tảng du lịch đã thực hiện các chương trình thiết thực nhằm thúc đẩy. Tháng 3/2023, nền tảng du lịch Traveloka cùng Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu đã tài trợ chương trình đào tạo kéo dài ba ngày cho các đối tác khách sạn tại TP.HCM, giúp họ áp dụng và thực hiện các kỹ năng và thực hành bền vững.
Quan hệ đối tác là chìa khóa
Để du lịch bền vững mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội như mong đợi, chính phủ, các doanh nghiệp trong ngành và cộng đồng địa phương cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Cần cân bằng giữa các việc có tính ưu tiên ngang nhau, ví dụ như xây dựng đường giao thông hay bảo vệ rừng?
Để ngành du lịch Việt Nam phát triển bứt phá, du lịch bền vững là chất xúc tác mạnh mẽ hướng tới nhiều mục tiêu khác nhau, giữa phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhận thức về tư duy thân thiện với môi trường cho khách du lịch và bảo vệ hệ sinh thái. Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế bền vững và mục tiêu tiến bộ xã hội.
Bằng cách áp dụng các hoạt động du lịch bền vững, Việt Nam có thể hướng đến một tương lai thịnh vượng hơn.
Caesar Indra (Chủ tịch Traveloka)