"Cuộc đời khi thăng hoa hạnh phúc, khi đau khổ, ê chề. Tình yêu lúc nâng cánh, ru ta phiêu diêu chốn hoa mộng lộng lẫy, lúc bỏ ta trong cô đơn, tuyệt vọng. Có thứ hiệndiện, sờ mó định lượng được thực ra cũng phù du, hư ảo"

Vậy ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu? Con người có thể lấy được gì trong kiếp sống của mình? Câu trả lời: Khói, tác giả Đoàn Bảo Châu.

560 trang sách như 560 "ngăn" nho nhỏ, bước vào như bị những làn Khói quấn quýt mê hoặc, như có thật mà hư ảo, để khi thoát ra không ngợp thở nhưng rưng rưng cay mắt và phảng phất mùi Khói trong một cảm xúc rất khó gọi tên.

Dân gian có câu: "Không có lửa sao có khói", và Khói của Đoàn Bảo Châu có thể xem như là "hậu" của những ngọn lửa. Ngọn lửa được nhen nhóm trong Dũng Khói, nhân vật xuyên suốt Khói với những câu chuyện đời, chuyện tình tưởng chừng như thật như ảo, mà điều gì cũng như ở điểm tận cùng của đỉnh cao hay vực sâu.

Ngọn lửa của tình yêu đầy khao khát nồng nàn, ngọt ngào mà cay đắng. Ngọn lửa của hành trình khám phá ý nghĩa cuộc sống nhiều dữ dội và khốc liệt, có thăng có trầm thậm chí rớt xuống đáy vực sâu.

Khói là một hành trình số phận con người, trong đó có thân phận tình yêu với đủ mùi vị ai-bi-lạc cõi đời. Mà đời trong Khói cũng muôn hình, lúc mỏng, lúc dày, lúc cuồn cuộn đầy đe dọa chết chóc. Lúc bãng lãng, mỏng manh, dịu dàng, mềm mại, mang hương thơm của hoa cỏ trái chín, ve vuốt lòng người. Lúc trong suốt như pha lê, có thể xuyên qua màn Khói để soi rõ những gì đang diễn ra ở phía bên kia.

{keywords}
Khói

Một sự trải nghiệm qua nhiều cuộc đời, tinh tế đến đau nhói, như những vết cắt ngọt vào tim qua nhân vật Dũng Khói.

Một cái nhìn nhiều chiều về số phận con người với nhiều cung bậc, nhưng yêu-ghét rõ ràng qua cái nhìn của nhân vật Dũng Khói

Một sự chia sẻ cảm thông như hòa tan trong từng con người để thấu hiểu điều gì đã/đang và sẽ diễn ra trong tâm-trí-thể xác họ qua chính sự trải nghiệm của nhân vật Dũng Khói.

Khói của Đoàn Bảo Châu còn như một không gian mờ ảo khêu gợi bất cứ ai "lạc" vào. Đó là những câu chuyện sống động như từng bức ảnh cận cảnh, được chụp rõ từng chi tiết về một "thế giới" riêng mà người bình thường rất ít ai biết dù rất tò mò.

"Thế giới" của những người đi đào vàng, tình-tiền là những cuộc chiến giành giật đẫm máu, để sau đó chỉ còn sự tàn phá tan hoang cả thể xác lẫn tâm hồn con người.

"Thế giới" của những phạm nhân sau song cửa nhà tù mang đầy lòng sân- hận cuộc đời để phần "Con" lấn át phần "Người" đến nghiệt ngã như một thử thách tồn tại làm "Người" hay trở lại là "Con".

Xuyên suốt trong Khói là câu chuyện cuộc đời của Dũng Khói, một cậu bé sinh ra trong bất hạnh bởi một người mẹ có số phận bất hạnh. Cuộc đời của Dũng Khói như một trong những "đại diện" cho một thế hệ trẻ sau chiến tranh, chênh vênh chơi vơi trong lý tưởng sống, nhất là khi đối diện với những mâu thuẫn, nghịch cảnh.

Dũng Khói phải vươn lên tìm lối thoát, tự định giá sự tồn tại của mình bằng rất nhiều trải nghiệm cả vinh quang và cay đắng trong cuộc đời. Kể cả trong tình yêu với Hạnh và những người con gái khác, những trang rất đẹp và ý nghĩa trong cuộc đời, nhưng cũng luôn là sự tranh đấu, dằn vặt, day dứt.

Để cuối cùng nhận chân tất cả chỉ là phù du, là hư ảo, như làn khói. Khói có thể nhìn thấy một cách rõ ràng nhưng không thể cầm nắm và giữ được trong tay.

{keywords}
Tác giả Đoàn Bảo Châu

Khói của Đoàn Bảo Châu là một tác phẩm đầu tay nhưng lại tỏ ra rất chuyên nghiệp trong văn chương, bởi kết cấu câu chuyện và sử dụng ngôn từ chặt, chuẩn. Đặc biệt là trong ngôn ngữ thoại của các nhân vật, tác giả đã biết tiết chế và dùng những từ ngữ khá "đắt" cho nhân vật của mình, ví dụ không quá dung tục ở giới giang hồ, nhưng vẫn ra "thế giới" riêng của xã hội đen.

Một điểm nữa ở Khói mà trong các tác phẩm văn chương đương đại Việt Nam khó có được, cả tác phẩm ngôn ngữ "thuần Việt".

Đoàn Bảo Châu là một nhiếp ảnh gia, có lẽ thế Khói đặc biệt hơn, và đó có thể là sự hấp dẫn, cuốn hút, bởi những câu chuyện trong Khói có thể "trích đoạn" như một tấm ảnh chụp, rất thật, sống động, không chỉ là ngôn ngữ "văn" mà có cả ngôn ngữ "ảnh", vì thế nó rất gần với một cuốn phim điện ảnh.

Khói cũng khá "tốc độ", bởi câu văn ngắn, một cách viết đương đại gần như báo chí, một trong những xu hướng của văn học thế giới thời "công nghệ cao".

Cái kết của Khói là một cái kết "mở", nó buộc người đọc phải dừng lại lâu hơn để suy tư về số phận nhân vật: Sẽ như thế nào? Một cái kết có hậu hay một cái kết bi kịch? Tự cảm xúc của người đọc dành cho nhân vật.

Khép lại trang cuối cùng, Khói phảng phất một nỗi buồn man mác. Khói là thật mà như hư ảo.

  • Hoài Hương